Luật Nghĩa vụ quân sự mới nhất 2025 và tiêu chuẩn đi nghĩa vụ quân sự từ 1/7/2025 (Hình từ internet)
Luật Nghĩa vụ quân sự mới nhất 2025 là Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 được sửa đổi bởi Luật Dân quân tự vệ 2019 và Luật 98/2025/QH15.
Luật này quy định về nghĩa vụ quân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân và chế độ, chính sách trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nghĩa vụ quân sự.
Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật này.
Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình:
- Dân quân thường trực có ít nhất 24 tháng phục vụ thì được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc trưởng thôn nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức;
- Hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên;
- Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị;
- Thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế - quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
- Công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.
Tiêu chuẩn tuyển quân đi nghĩa vụ quân sự được quy định tại Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP (sửa đổi bởi Thông tư 68/2025/TT-BQP) như sau:
(1) Tuổi đời:
- Công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi.
- Công dân nam được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo thì tuyển chọn và gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
(2) Tiêu chuẩn chính trị:
- Thực hiện theo Thông tư liên tịch 50/2016/TTLT-BQP-BCA quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Đối với các cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội; lực lượng Tiêu binh, Nghi lễ; lực lượng Vệ binh và Kiểm soát quân sự chuyên nghiệp thực hiện tuyển chọn theo quy định của Bộ Quốc phòng.
(3) Tiêu chuẩn sức khỏe:
- Tuyến chọn những công dân đạt sức khỏe loại 1, loại 2 và loại 3 theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư 105/2023/TT-BQP quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
- Đối với các cơ quan, đơn vị, vị trí quy định tại (2), thực hiện tuyển chọn bảo đảm tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng.
- Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân mắc tật khúc xạ cận thị lớn hơn 1.5 diop trở lên, viễn thị các mức độ; chỉ số BMI nhỏ hơn 18.0 hoặc lớn hơn 29.9.
(4) Tiêu chuẩn văn hóa:
- Tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ văn hóa lớp 8 trở lên, lấy từ cao xuống thấp. Những địa phương có khó khăn không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định được tuyển chọn số công dân có trình độ văn hóa lớp 7.
- Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người thì được tuyển không quá 25% công dân có trình độ văn hóa cấp tiểu học, còn lại là trung học cơ sở trở lên.