Đề xuất ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giáo dục đại học đúng pháp luật (hình ảnh từ Internet)
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi).
![]() |
Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) |
Cụ thể, tại Điều 10 dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) đề xuất việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong giáo dục đại học, cụ thể việc ứng dụng công nghệ được thực hiện theo nguyên tắc như sau:
- Cơ sở giáo dục đại học chủ động triển khai ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến khác trong quản trị, đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng phù hợp với quy định của pháp luật.
- Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến phải bảo đảm:
+ Tuân thủ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, an toàn thông tin, sở hữu trí tuệ và quyền con người trong môi trường số;
+ Tôn trọng giá trị học thuật, hỗ trợ phát triển tư duy phản biện, sáng tạo, năng lực tự học và học tập suốt đời của người học;
+ Công khai, minh bạch về vận hành và kết quả sử dụng;
+ Có cơ chế kiểm soát, đánh giá tác động và xử lý rủi ro.
- Việc phát triển năng lực số, năng lực sử dụng công nghệ tiên tiến cho giảng viên, người học và cán bộ quản lý được lồng ghép phù hợp trong các chương trình đào tạo và bồi dưỡng của cơ sở đào tạo.
- Cơ sở đào tạo ban hành hướng dẫn sử dụng công nghệ tiên tiến bảo đảm liêm chính học thuật, quyền lợi của người học và quyền sở hữu trí tuệ.
- Nhà nước tạo điều kiện phát triển nền tảng học tập số, hệ thống đánh giá và các giải pháp công nghệ tiên tiến trong hoạt động giáo dục đại học, đặc biệt của cơ sở đào tạo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Chính phủ quy định chi tiết về ứng dụng công nghệ tiên tiến trong giáo dục đại học phù hợp với từng giai đoạn phát triển và thực tiễn Việt Nam.
Như vậy, dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) đã đề xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo vào môi trường giáo dục đại học. Tuy nhiên, việc ứng dụng phải phù hợp với quy định pháp luật và sử dụng trên nguyên tắc tôn trọng giá trị học thuật, mục đích để phát triển tư duy phản biện, sáng tạo…
Theo đó, dự thảo Luật cũng đề xuất một số nguyên tắc hoạt động giáo dục đại học như sau:
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, gắn quyền tự chủ với trách nhiệm giải trình; bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước và sự giám sát của xã hội.
- Bảo đảm chất lượng, hiệu quả, công bằng và bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học, tạo điều kiện học tập suốt đời cho mọi người.
- Gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
- Bảo đảm liêm chính học thuật và trách nhiệm phục vụ cộng đồng.
- Thúc đẩy hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch giữa các cơ sở giáo dục dựa trên chất lượng và hiệu quả hoạt động.
* Lưu ý: Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) quy định về hoạt động giáo dục đại học; tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; quyền, nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân tham gia giáo dục đại học; trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý và phát triển giáo dục đại học và áp dụng đối với cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục khác có hoạt động giáo dục đại học (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo), giảng viên và người học, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến giáo dục đại học.
Xem thêm dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi).