Thẩm quyền xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã và cấp tỉnh từ ngày 01/7/2025

10/07/2025 16:40 PM

Nội dung bài viết là quy định về thẩm quyền xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã và Chủ tịch UBND cấp tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

Thẩm quyền xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã và cấp tỉnh từ ngày 01/7/2025

Thẩm quyền xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã và cấp tỉnh từ ngày 01/7/2025 (Hình từ Internet)

Chính phủ ban hành Nghị định 189/2025/NĐ-CP ngày 01/7/2025 hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Thẩm quyền xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã và cấp tỉnh từ ngày 01/7/2025

Theo Điều 5 Nghị định 189/2025/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân như sau:

(1) Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu (sau đây gọi chung là cấp xã) có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

(2) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Quy định về xác định thẩm quyền xử phạt và tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong một số trường hợp

Theo Điều 4 Nghị định 189/2025/NĐ-CP quy định về xác định thẩm quyền xử phạt và tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong một số trường hợp như sau:

- Vụ việc vi phạm hành chính do người có thẩm quyền thuộc cơ quan trung ương được tổ chức theo hệ thống ngành dọc đóng tại địa phương đang thụ lý, giải quyết nhưng phải chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt, thì việc chuyển hồ sơ có thể được quy định cụ thể tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước, trường hợp không quy định tại các nghị định đó thì thực hiện theo thứ tự sau đây:

+ Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc cơ quan trung ương được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương;

+ Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cao nhất trọng ngành, lĩnh vực quản lý hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm. Vụ việc vi phạm hành chính có hành vi thuộc trường hợp tại điểm c khoản 4 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc vụ việc có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là bất động sản, tàu bay, tàu biển, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, các loại hàng hóa, phương tiện cồng kềnh, khó vận chuyển, chi phí vận chuyển cao thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.

- Vụ việc vi phạm hành chính có nhiều hành vi vi phạm thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau mà trong đó có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, thì thực hiện như sau:

+ Đối với những hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì xác định theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

+ Đối với những hành vi không thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì xác định theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 4 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Thẩm quyền xử phạt đối với trường hợp áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng cấm tàng trữ, cấm lưu hành được xác định theo nguyên tắc sau đây:

+ Nếu người đang giải quyết vụ việc thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý quy định tại các Điều 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15 và 17 Nghị định 189/2025/NĐ-CP có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phụ thuộc vào thẩm quyền phạt tiền thì phải chuyển vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử phạt trong ngành, lĩnh vực đó có thẩm quyền tịch thu không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

+ Nếu người đang giải quyết vụ việc không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định 189/2025/NĐ-CP thì phải chuyển vụ vi phạm đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm;

+ Nếu người đang giải quyết vụ việc có căn cứ để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng cấm tàng trữ, cấm lưu hành, thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo quy định tại nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

- Thẩm quyền quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng cấm tàng trữ, cấm lưu hành được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Xem thêm tại Nghị định 189/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 132

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079