Đề xuất mức trần học phí giáo dục nghề nghiệp từ năm học 2025-2026 trở đi

11/07/2025 15:39 PM

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Nghị định quy định về đề xuất mức trần học phí giáo dục nghề nghiệp từ năm học 2025-2026 trở đi.

Đề xuất mức trần học phí giáo dục nghề nghiệp từ năm học 2025-2026 trở đi

Đề xuất mức trần học phí giáo dục nghề nghiệp từ năm học 2025-2026 trở đi (Hình từ internet)

dự thảo Nghị định

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm, hỗ trợ học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (sau đây gọi là dự thảo Nghị định).

Đề xuất mức trần học phí giáo dục nghề nghiệp từ năm học 2025-2026 trở đi

Theo đó, tại Điều 10 dự thảo Nghị định có quy định cụ thể về việc đề xuất mức trần học phí giáo dục nghề nghiệp từ năm học 2025-2026 trở đi nha sau:

- Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên từ năm học 2025-2026 trở đi như sau:

+ Năm học 2025-2026 và năm học 2026-2027:

STT

Nhóm ngành, nghề đào tạo

Năm học 2025 - 2026

Năm học 2026 - 2027

1

Khoa học xã hội nhân văn, nghệ thuật, giáo dục và đào tạo, báo chí, thông tin và kinh doanh, quản lý

1.360

1.600

2

Khoa học, pháp luật và toán

1.445

1.700

3

Kỹ thuật và công nghệ thông tin

2.040

2.400

4

Sản xuất, chế biến và xây dựng

1.955

2.300

5

Nông, lâm, ngư nghiệp và thú y

1.400

1.650

6

Sức khỏe

2.380

2.800

7

Dịch vụ, du lịch và môi trường

1.700

2.000

8

An ninh, quốc phòng

1.870

2.200

+ Từ năm học 2027-2028 trở đi, mức trần học phí được điều chỉnh phù hợp với khả năng chi trả của người dân, điều kiện kinh tế xã hội nhưng tối đa không vượt quá tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng tại thời điểm xác định mức học phí so với cùng kỳ năm trước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.

- Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Mức học phí tối đa không quá 2 lần so với mức học phí quy định tại khoản 1 Điều 10 dự thảo Nghị định.

+ Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Được chủ động xây dựng và quyết định mức học phí theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp  và các văn bản khác có liên quan.

+ Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập căn cứ vào mức trần học phí tại khoản 1, 2, 3 Điều 10 dự thảo Nghị định và định mức kinh tế-kỹ thuật hoặc định mức chi phí của từng ngành, nghề đào tạo do cơ sở giáo dục nghề nghiệp ban hành để quyết định mức thu học phí cụ thể đối với từng năm học, ngành, nghề đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý.

+ Đối với các chương trình đào tạo chất lượng cao và chương trình chuyển giao từ nước ngoài đối với giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ định mức kinh tế-kỹ thuật hoặc định mức chi phí của từng ngành, nghề đào tạo do cơ sở giáo dục nghề nghiệp ban hành để quyết định mức thu học phí cụ thể đối với từng năm học, ngành, nghề đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý và thực hiện việc công khai trước khi tuyển sinh. Đồng thời phải duy trì các chương trình đào tạo tiêu chuẩn trong mức trần học phí nhà nước quy định tại Điều 10 dự thảo Nghị định để thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ công và đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục người học.

+ Mức học phí đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học; đào tạo từ xa được xác định trên cơ sở chi phí hợp lý thực tế với mức thu không vượt quá 150% mức học phí của hệ đào tạo chính quy tương ứng.

+ Mức học phí của các ngành, nghề đào tạo theo hình thức học trực tuyến (học online), cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định trên cơ sở chi phí hợp lý thực tế, tối đa bằng mức học phí của các ngành, nghề đào tạo theo hình thức đào tạo trực tiếp.

+ Mức học phí đối với các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo kỹ năng và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động xây dựng và quy định mức thu học phí theo đặc điểm kinh tế-kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình với người học, xã hội.

- Học phí giáo dục nghề nghiệp tính theo tín chỉ, mô-đun:

+ Mức thu học phí của một tín chỉ, mô-đun được xác định căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm ngành, nghề đào tạo và tổng số tín chỉ, mô-đun toàn khóa theo công thức dưới đây:

Học phí tín chỉ, mô-đun = (Tổng học phí toàn khóa )/(Tổng số tín chỉ,mô-đun toàn khóa)

Tổng học phí toàn khóa = mức thu học phí 1 sinh viên/1 tháng x 10 tháng x số năm học, bảo đảm nguyên tắc tổng học phí theo tín chỉ của chương trình đào tạo tối đa bằng tổng học phí tính theo niên chế.

+ Trường hợp học quá thời hạn quy định của chương trình đào tạo, học phí tín chỉ áp dụng từ thời điểm quá hạn được xác định lại trên cơ sở thời gian học thực tế trên nguyên tắc bù đắp chi phí và thực hiện công khai, minh bạch với người học;

+ Trường hợp học văn bằng 2 chỉ phải đóng học phí của các tín chỉ, mô-đun thực học theo chương trình đào tạo.

- Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nhà nước quản lý trực tiếp:

Thủ trưởng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào mức trần học phí trên và định mức kinh tế-kỹ thuật hoặc định mức chi phí của từng ngành, nghề đào tạo do cơ sở giáo dục nghề nghiệp ban hành để quyết định mức thu học phí cụ thể đối với từng năm học, ngành, nghề đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý nhưng không vượt quá mức trần học phí theo quy định tại khoản 3 Điều 10 dự thảo Nghị định.

- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được quy định mức học phí đối với các trường hợp học lại. Mức học phí học lại tối đa không vượt quá mức trần học phí quy định tại Nghị định này. Trường hợp tổ chức học riêng theo nhu cầu người học thì mức thu theo thỏa thuận giữa người học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở bù đắp đủ chi phí.

- Học sinh, sinh viên là người nước ngoài tham gia các khóa đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp nộp học phí theo mức thu do cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định hoặc theo hiệp định, thỏa thuận hợp tác với bên nước ngoài.

Chia sẻ bài viết lên facebook 10

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079