UBND quyết định sử dụng nguồn tăng thu và dự toán chi còn lại của ngân sách từ 01/01/2026 (Hình từ Internet)
UBND quyết định sử dụng nguồn tăng thu và dự toán chi còn lại của ngân sách từ 01/01/2026
Tại Luật ngân sách nhà nước 2025, Quốc hội quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp đối với việc thực hiện ngân sách nhà nước như sau:
(1) Lập dự toán ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách cấp mình theo các nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 31 của Luật ngân sách nhà nước 2025; dự toán điều chỉnh ngân sách địa phương trong các trường hợp quy định tại Điều 54 của Luật ngân sách nhà nước 2025, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan tài chính cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính dự toán ngân sách địa phương, dự toán điều chỉnh ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp mình.
(2) Lập quyết toán ngân sách địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan tài chính cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính quyết toán ngân sách địa phương.
(3) Quyết định phương án sử dụng tăng thu so với dự toán, dự toán chi còn lại của ngân sách cấp mình, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp kết quả thực hiện, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất. Theo đó:
Kết thúc năm ngân sách, số tăng thu so với dự toán, dự toán chi còn lại của cấp ngân sách được sử dụng cho các nội dung sau đây:
- Giảm bội chi, tăng chi trả nợ, bao gồm trả nợ gốc và lãi;
- Bổ sung tăng dự phòng ngân sách trong phạm vi từ 2% đến 5% tổng chi ngân sách mỗi cấp, trong đó chi của ngân sách cấp trên không bao gồm chi bổ sung cân đối cho ngân sách cấp dưới, chi của ngân sách cấp dưới không bao gồm chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên (nếu có); và tăng quỹ dự trữ tài chính trong phạm vi số dư của quỹ dự trữ tài chính ở mỗi cấp không vượt quá 25% dự toán chi ngân sách hàng năm của cấp đó, không bao gồm chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên (nếu có);
- Bổ sung nguồn thực hiện chính sách tiền lương;
-Tăng chi đầu tư một số dự án quan trọng;
-Thực hiện một số chính sách an sinh xã hội;
-Thực hiện nhiệm vụ Thưởng vượt dự toán thu và phân bổ cho các chương trình, nhiệm vụ, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của Chính phủ.
(4) Kiểm tra nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới về lĩnh vực tài chính - ngân sách.
(5) Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, quyết định giao:
- Nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc; chi đầu tư phát triển chi tiết lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chi thường xuyên chi tiết theo từng lĩnh vực;
- Nhiệm vụ thu, chi, mức bổ sung cho ngân sách cấp dưới và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia giữa ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp xã đối với các khoản thu phân chia; chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên chi tiết lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
(6) Điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương theo quy định trong các trường hợp sau:
- Số thu dự kiến tăng hoặc không đạt so với dự toán cần phải điều chỉnh nhiệm vụ chi so với dự toán được Hội đồng nhân dân quyết định;
- Điều chỉnh cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, dự toán chi được Ủy ban nhân dân giao chi tiết hoặc điều chỉnh các lĩnh vực chi đã được Hội đồng nhân dân quyết định;
- Có yêu cầu cấp bách về quốc phòng, an ninh hoặc vì lý do khách quan cần phải điều chỉnh;
- Chính phủ quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách theo quy định;
- Khi cần điều chỉnh dự toán ngân sách của một số đơn vị dự toán hoặc địa phương cấp dưới
(7) Phân bổ, giao dự toán chi đối với các khoản chưa phân bổ chi tiết của Hội đồng nhân dân cùng cấp này và dự toán kinh phí do ngân sách cấp trên bổ sung có mục tiêu trong năm bảo đảm kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, định kỳ báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.
(8) Quyết định các giải pháp và tổ chức thực hiện dự toán ngân sách địa phương được Hội đồng nhân dân quyết định; kiểm tra, báo cáo việc thực hiện ngân sách địa phương.
(9) Phối hợp với các cơ quan nhà nước cấp trên trong việc quản lý ngân sách nhà nước trên địa bàn.
(10) Báo cáo, công khai ngân sách nhà nước theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật khác có liên quan.
(11) Thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ.
(12) Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn quy định trên còn có nhiệm vụ, quyền hạn:
(i) Quyết định cụ thể đối với một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Hội đồng nhân dân giao. Quyết định một số chế độ chi ngân sách cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất;
(ii) Lập và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định các nội dung quy định tại khoản 9 Điều 31 của Luật này;
(iii) Quyết định sử dụng quỹ dự trữ tài chính và các quỹ tài chính khác của Nhà nước theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật khác có liên quan.
(13) Chỉ đạo cơ quan tài chính địa phương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Ủy ban nhân dân thực hiện nhiệm vụ trên.
(14) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, giải trình với cơ quan chức năng khi được yêu cầu và chịu trách nhiệm về những sai sót, sai phạm thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện ngân sách nhà nước.
Theo đó, UBND quyết định sử dụng nguồn tăng thu và dự toán chi còn lại của ngân sách.
Xem thêm tại Luật ngân sách nhà nước 2025 có hiệu lực từ 01/01/2026.