Quy định về xử lý tài sản công sau sáp nhập giải thể cơ quan nhà nước mới nhất từ 01/7/2025 (Hình từ Internet)
Tại Nghị định 186/2025/NĐ-CP, xử lý tài sản công trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, chấm dứt hoạt động được quy định như sau:
(1) Cơ quan nhà nước thuộc đối tượng thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, chấm dứt hoạt động có trách nhiệm thực hiện kiểm kê, phân loại đối với tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của cơ quan trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, chấm dứt hoạt động; chịu trách nhiệm xử lý tài sản phát hiện thừa/thiếu qua kiểm kê theo quy định của pháp luật. Đối với tài sản không phải của cơ quan (tài sản nhận giữ hộ, tài sản mượn, tài sản thuê của tổ chức, cá nhân khác...), cơ quan nhà nước thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
(2) Trường hợp cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản thực hiện sáp nhập, hợp nhất (bao gồm cả trường hợp thành lập cơ quan, đơn vị mới trên cơ sở tổ chức lại các cơ quan, đơn vị hiện có) thì pháp nhân sau khi sáp nhập, hợp nhất được kế thừa quyền quản lý, sử dụng tài sản của cơ quan bị sáp nhập, hợp nhất (không phải thực hiện thủ tục điều chuyển tài sản từ cơ quan bị sáp nhập, hợp nhất sang pháp nhân sau khi sáp nhập, hợp nhất) và có trách nhiệm:
- Bố trí sử dụng tài sản theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật.
- Xác định tài sản dôi dư (không còn nhu cầu sử dụng theo chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy mới) hoặc thuộc trường hợp phải xử lý theo quy định của Luật và Nghị định 186/2025/NĐ-CP để lập hồ sơ, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý theo quy định của pháp luật.
- Tiếp tục thực hiện các nội dung chưa hoàn thành đối với các tài sản đã có Quyết định xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền trước khi sáp nhập, hợp nhất mà đến thời điểm sáp nhập, hợp nhất, cơ quan nhà nước bị sáp nhập, hợp nhất chưa xử lý xong.
(3) Trường hợp chia tách cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản thì cơ quan thuộc đối tượng thực hiện chia tách có trách nhiệm lập phương án phân chia tài sản hiện có và phân công trách nhiệm xử lý các tài sản đang trong quá trình xử lý cho các pháp nhân mới sau khi chia tách để tổng hợp vào đề án/phương án chia tách, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt đề án/phương án chia tách xem xét, phê duyệt. Sau khi hoàn thành việc chia tách, các pháp nhân mới được quyền quản lý, sử dụng tài sản theo phương án phân chia được phê duyệt (không phải thực hiện thủ tục giao, điều chuyển tài sản từ cơ quan bị chia tách sang pháp nhân mới) và có trách nhiệm bố trí sử dụng tài sản theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản, hoàn thành việc xử lý các tài sản đang trong quá trình xử lý theo trách nhiệm được phân công; đối với tài sản dôi dư hoặc thuộc trường hợp phải xử lý theo quy định của Luật và Nghị định 186/2025/NĐ-CP, pháp nhân mới có trách nhiệm lập hồ sơ, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý theo quy định.
(4) Trường hợp chấm dứt hoạt động cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản và chuyển chức năng, nhiệm vụ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì căn cứ chủ trương của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan bị chấm dứt hoạt động chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ xây dựng phương án phân chia tài sản phù hợp với nhiệm vụ chuyển và thực trạng của tài sản để tổng hợp vào đề án/phương án sắp xếp bộ máy, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt đề án/phương án sắp xếp bộ máy xem xét, phê duyệt. Căn cứ đề án/phương án được phê duyệt, cơ quan bị chấm dứt hoạt động thực hiện bàn giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 186/2025/NĐ-CP xem xét, quyết định giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý, sử dụng.
(5) Trường hợp cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản thực hiện giải thể, chấm dứt hoạt động mà không thuộc phạm vi quy định tại (4) thì sau khi có Quyết định giải thể, chấm dứt hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan nhà nước bị giải thể, chấm dứt hoạt động có trách nhiệm bàn giao tài sản cho cơ quan quản lý cấp trên hoặc cơ quan khác được giao tiếp nhận tài sản (trong trường hợp không có cơ quan quản lý cấp trên). Cơ quan được giao tiếp nhận tài sản có trách nhiệm căn cứ quy định của Luật và Nghị định 186/2025/NĐ-CP lập hồ sơ báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý, trên cơ sở đó tổ chức xử lý tài sản theo quy định. Đối với các tài sản đã có Quyết định xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền trước khi giải thể, chấm dứt hoạt động mà đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động cơ quan nhà nước bị giải thể, chấm dứt hoạt động chưa hoàn thành việc xử lý thì cơ quan được giao tiếp nhận tài sản có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các nội dung chưa hoàn thành.
(6) Trường hợp cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản bị giải thể, chấm dứt hoạt động:
- Trường hợp chuyển cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản sang trực thuộc cơ quan quản lý cấp trên khác thì cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản được tiếp tục quản lý, sử dụng tài sản để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và có trách nhiệm quản lý, xử lý tài sản theo mục (2).
- Trường hợp cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản được sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thì thực hiện theo quy định tại (1),(2), (3), (4) và (5).
(7) Cơ quan bị sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, chấm dứt hoạt động có trách nhiệm bàn giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị được kế thừa quyền quản lý, sử dụng hoặc được tiếp nhận tài sản quy định tại (2), (3), (4), (5) và (6). Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản được lập thành Biên bản theo Mẫu số 02/TSC-BBGN ban hành kèm theo Nghị định 186/2025/NĐ-CP. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được kế thừa quyền quản lý, sử dụng hoặc được tiếp nhận tài sản là quyền sử dụng đất có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trên đây là Quy định về xử lý tài sản công sau sáp nhập giải thể cơ quan nhà nước mới nhất từ 01/7/2025
Xem thêm tại Nghị định 186/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2025.