Chính thức có quy định về xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử từ 01/07/2025
Ngày 25/6/2025, Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính 2025 (Luật số 88/2025/QH15), trong đó có bổ sung thêm quy định về xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử.
Cụ thể, Luật Sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính 2025 đã quy định về việc xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử như sau;
- Việc xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử được thực hiện khi bảo đảm điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin.
- Việc xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
+ Tuân thủ quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về giao dịch điện tử và pháp luật có liên quan;
+ Việc thu thập, lưu trữ, khai thác, sử dụng dữ liệu phải bảo đảm tính toàn vẹn, xác thực, an toàn, đúng mục đích, phạm vi theo quy định của pháp luật;
+ Kết nối hệ thống, chia sẻ dữ liệu, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời phục vụ quản lý nhà nước và giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Xem thêm tại Luật Sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính 2025 có hiệu lực từ 01/7/2025.
Ngày 25/6/2025, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 (Luật số 87/2025/QH15).
Theo đó, tại Luật sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 thì Quốc hội đã sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật với nội dung như sau:
- Hiến pháp.
- Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
- Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
- Nghị định, nghị quyết của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước.
- Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh (sau đây gọi chung là cấp xã).
- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Xem thêm tại Luật sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 có hiệu lực từ 01/7/2025.
Ngày 25/6/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 157/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội 2024 về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân, dân quân thường trực và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân
Theo đó, tại Nghị định 157/2025/NĐ-CP thì chính phủ đã quy định cụ thể về bảo hiểm xã hội trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an như sau:
- Bảo hiểm xã hội Quân đội, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân có các chức năng sau:
+ Tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động và bảo hiểm y tế đối với thân nhân người lao động thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo quy định của pháp luật;
+ Quản lý phần quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được sử dụng trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
- Bảo hiểm xã hội Quân đội, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định.
Xem thêm tại Nghị định 157/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2025.
Ngày 25/6/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 158/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội 2024 về bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó có hướng dẫn cách xác định số tiền truy thu, truy đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 01/7/2025.
Cụ thể, cách xác định số tiền truy thu, truy đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được thực hiện như sau:
- Đối với các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 158/2025/NĐ-CP, số tiền truy thu là số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Điều 33 và Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Trường hợp đến hết ngày cuối cùng của tháng tiếp theo sau tháng có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương hoặc tháng về nước mà người sử dụng lao động và người lao động chưa thực hiện truy đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì khi truy thu bảo hiểm xã hội bắt buộc cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 40 và khoản 1 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2024;
- Đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 158/2025/NĐ-CP, số tiền truy thu là số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng và số ngày đóng sau thời hạn đóng bảo hiểm xã hội chậm nhất quy định tại điểm b khoản 4 Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Xem thêm tại Nghị định 158/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2025.