Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các lĩnh vực được chất vấn.
Đơn cử trong lĩnh vực tài chính, cần thể chế hóa đầy đủ và thực hiện hiệu quả Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phấn đấu trong năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 51 - 52%; tăng tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế tư nhân trong tổng thu ngân sách nhà nước; tăng hiệu quả giải quyết việc làm và năng suất lao động. Hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh dựa trên công nghệ và nền tảng số.
Thực hiện các giải pháp hỗ trợ các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuận lợi trong việc chuyển đổi từ phương pháp khoán thuế sang nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế.
Đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, tư vấn, nâng cao nhận thức về chính sách thuế mới và đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử để hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp hiểu đúng về chính sách; khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Trong năm 2025, đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử đối với các đối tượng ở các ngành, lĩnh vực theo quy định. Thúc đẩy tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội.
Xem thêm nội dung tại Nghị quyết 224/2025/QH15 ngày 27/6/2025.
(Trước đó, ngày 17/5/2025, Quốc hội thông qua Nghị quyết 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Trong đó nêu rõ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 01/01/2026. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế.)