Theo đó, thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân khu vực trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố được quy định như sau:
(1) Viện kiểm sát nhân dân khu vực có thẩm quyền:
- Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố đối với vụ việc, vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh thụ lý, giải quyết và thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân khu vực;
- Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, phân loại, xử lý nguồn tin về tội phạm của Công an cấp xã, Đồn Công an, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã theo Điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự và hoạt động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh bố trí tại Công an cấp xã;
- Phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã, Đồn Công an; hướng dẫn việc thực hiện thẩm quyền của điều tra viên trung cấp, điều tra viên cao cấp là Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã;
- Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố đối với vụ việc, vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng do các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thụ lý, giải quyết và thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân khu vực.
(2) Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ việc, vụ án mà phát hiện vụ việc, vụ án thuộc thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân khu vực khác hoặc thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thì thực hiện như sau:
- Trường hợp vụ việc, vụ án thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân khu vực khác trong cùng một tỉnh: Viện kiểm sát nhân dân khu vực đang thụ lý chuyển việc thực hiện thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ việc, vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân khu vực có thẩm quyền nếu vụ việc, vụ án đang trong giai đoạn khởi tố, điều tra; chuyển vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự nếu vụ án đang trong giai đoạn truy tố;
- Trường hợp vụ việc, vụ án thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh: Viện kiểm sát nhân dân khu vực đang thụ lý báo cáo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và chuyển việc thực hiện thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ việc, vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nếu vụ việc, vụ án đang trong giai đoạn khởi tố, điều tra; báo cáo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và chuyển vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự nếu vụ án đang trong giai đoạn truy tố;
- Trường hợp vụ việc, vụ án thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân khu vực khác ngoài tỉnh hoặc thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh khác thì Viện kiểm sát nhân dân khu vực đang thụ lý có văn bản đề nghị Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh ra quyết định chuyển vụ việc, vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 169 và khoản 1 Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Thông tư 02/2025/TT-VKSTC có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.