Theo đó, căn cứ tại Điều 6 Nghị định 191/2025/NĐ-CP có quy định về việc giải quyết hồ sơ quốc tịch trên môi trường điện tử theo quy định tại khoản 7 Điều 39 Luật Quốc tịch Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ phận Một cửa và Cổng Dịch vụ công quốc gia và theo quy định của Nghị định 191/2025/NĐ-CP như sau:
(i) Người yêu cầu đăng nhập tài khoản vào Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và nộp hồ sơ theo quy định, cung cấp thông tin theo biểu mẫu điện tử tương tác, đính kèm bản điện tử. Trường hợp thông tin, dữ liệu điện tử của người yêu cầu đã được kết nối, chia sẻ giữa các cơ sở dữ liệu thì người yêu cầu không phải khai lại thông tin hoặc đính kèm hồ sơ, giấy tờ.
Lưu ý: Trường hợp không có bản điện tử thì đính kèm bản chụp hoặc bản sao các giấy tờ theo quy định; nộp phí, lệ phí thông qua chức năng thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia, các nền tảng thanh toán khác hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật.
(ii) Sau khi hoàn tất việc nộp hồ sơ, người yêu cầu được cấp 01 mã số hồ sơ thủ tục hành chính để theo dõi, tra cứu tiến độ giải quyết hoặc truy cập để hoàn thiện hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan thụ lý.
(iii) Hồ sơ điện tử xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam, xin cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam được tiếp nhận tại Cổng Dịch vụ công quốc gia và thông qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh chuyển đến Phần mềm quản lý, giải quyết hồ sơ quốc tịch để cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp Bộ Tư pháp quyết định từ chối giải quyết hồ sơ theo quy định tại khoản 1, 2, 4 và khoản 7 Điều 14 Nghị định 119/2025/NĐ-CP thì gửi cho cơ quan tiếp nhận thông qua Phần mềm quản lý, giải quyết hồ sơ quốc tịch để thông báo cho người có yêu cầu.
(iv) Người có yêu cầu có thể lựa chọn nhận kết quả theo các phương thức sau:
- Nhận bản điện tử gửi qua thư điện tử, Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân đó
- Nhận bản điện tử gửi vào thiết bị số, thông qua phương pháp truyền số liệu phù hợp, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin
- Nhận kết quả là bản giấy thông qua dịch vụ bưu chính và nộp chi phí trả kết quả
- Nhận kết quả là bản giấy tại cơ quan thụ lý hồ sơ
- Sở Tư pháp, cơ quan đại diện tiếp nhận, giải quyết theo thẩm quyền các yêu cầu về quốc tịch trên môi trường điện tử phù hợp với mức độ triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quốc tịch.
Xem chi tiết tại Nghị định 191/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.