Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Tiến Châu nhấn mạnh ý nghĩa vô cùng to lớn của án lệ có đối với nền tư pháp hiện đại, là sự bổ sung không thể thiếu cho hệ thống pháp luật quốc gia, góp phần đưa pháp luật đi vào đời sống thực tiễn. Chính vì ý nghĩa to lớn đó, giờ đây án lệ đã trở thành thực tiễn pháp lý phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Theo Thứ trưởng, ở Việt Nam, án lệ cũng đã chính thức được công nhận. Cho đến nay, TANDTC đã lựa chọn và công bố 10 án lệ trong các lĩnh vực pháp luật hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính… Sự ra đời của các bản án lệ ở Việt Nam được kỳ vọng rất lớn, góp phần khắc phục những khiếm khuyết, hoàn thiện pháp luật Việt Nam, qua đó làm cho hoạt động của tòa án thực sự minh bạch, tòa án thực sự là cơ quan bảo vệ công lý, pháp luật thực sự thượng tôn trong đời sống của nhà nước và xã hội. Về mặt học thuật thì sự công nhận đối với án lệ cũng sẽ tạo ra những thay đổi lớn và tích cực trong đào tạo luật, làm cho đào tạo luật học ở Việt Nam có tính thực tiễn cao hơn và lý thú hơn đối với sinh viên.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Châu cho rằng, mặc dù đã được công nhận, song án lệ vẫn còn là vấn đề mới trong khoa học pháp lý và thực tiễn pháp lý của Việt Nam. Vị thế của án lệ vẫn chưa thực sự chắc chắn trong đời sống pháp luật. Liên quan tới án lệ vẫn còn những câu hỏi cần được các nhà khoa học nghiên cứu, trả lời. Vì vậy, Thứ trưởng mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như đời sống và ý nghĩa của án lệ trong thực tiễn pháp luật và tư pháp của quốc gia, đặc biệt là ở các quốc gia có truyền thống pháp luật thành văn như Việt Nam; mối quan hệ giữa án lệ và giải thích pháp luật của Tòa án; những bất cập phát sinh trong thực tiễn áp dụng án lệ ở Việt Nam trong thời gian qua và phương hướng, biện pháp khắc phục; án lệ trong công tác đào tạo pháp luật ở Việt Nam hiện nay.
Tại hội thảo, đại diện Vụ pháp chế và quản lý khoa học TANDTC cũng đã đề cập đến quy trình lựa chọn và công bố áp dụng và phát triển án lệ tại Việt Nam. Liên quan đến tình hình áp dụng 10 án lệ đã được ban hành, đại diện TANDTC cũng cho biết, căn cứ theo Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, sau khi ban hành 10 án lệ tình hình triển khai áp dụng tại các Tòa án đã có kết quả bước đầu. Đến nay đã có Tòa án tại Quảng Ngãi đã áp dụng án lệ số 04 vào xét xử. Nhiều địa phương cũng cho rằng án lệ số 04 này là cơ sở rất quan trọng để viện dẫn áp dụng trong nhiều vụ án tương tự. Bước đầu áp dụng cũng cho thấy các Thẩm phán còn khá lúng túng trong việc viện dẫn, lập luận vào bản án mà họ xét xử và TANDTC vừa có công văn hướng dẫn về vấn đề này.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, thẩm phán, hội thẩm không bắt buộc phải viện dẫn án lệ một cách cứng nhắc. Họ có quyền không viện dẫn án lệ trong trường hợp án lệ không còn phù hợp do có sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của UBTVQH, Nghị định của Chính phủ. Bên cạnh đó, họ cũng có quyền không viện dẫn án lệ khi có chuyển biến tình hình dẫn tới việc án lệ không còn phù hợp.
Đây chính là kinh nghiệm của các nước theo hệ thống dân luật như Việt Nam. Mặc dù vậy, Thẩm phán Tòa án tối cao Hàn Quốc Park Hyun Soo cho biết, các Thẩm phán ở Hàn Quốc đều công nhận giá trị của những án lệ này và xét xử theo xu hướng mà án lệ đã đưa ra. Theo ông Park, tại Hàn Quốc, những bản án được công bố thành án lệ chứ không phải qua quy trình nào cả và án lệ cũng được coi là nguồn để tham khảo đối với những vụ án trong tương lai. Bên cạnh đó hàng năm đều xuất bản tuyển tập án lệ và có cả những bình luận xung quanh án lệ. Những quan điểm của Tòa án tối cao đưa ra trong những án lệ đó rất chặt chẽ.
Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng án lệ có vai trò rất quan trọng trong tố tụng và bước đầu việc ban hành những án lệ của TANDTC thời gian qua là cần thiết. Thời gian tới đây, cần có tổng kết, lựa chọn để ban hành thêm án lệ để có cơ sở áp dụng trong tố tụng. Hội thảo thực sự là diễn đàn để các nhà khoa học pháp lý tiếp tục trao đổi làm rõ vị trí vai trò, tầm quan trọng của án lệ trong thực tiễn; đưa ra những kiến nghị khoa học nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động xây dựng án lệ, phát huy hiệu quả việc áp dụng án lệ trong thực tiễn ở Việt Nam.
H.Thư
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp