Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các điều chỉnh này chưa thể đem lại phép mầu, tạo ra sự sôi động cho thị trường bất động sản. Nó chỉ giúp giảm khó, và những doanh nghiệp tận dụng cơ hội này để sắp xếp lại, liệu cơm gắp mắm, sẽ tồn tại chờ thị trường hồi phục.
Nới dầnVới mục tiêu kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã xiết tín dụng ngân hàng, thậm chí đưa bất động sản vào nhóm phi sản xuất, không khuyến khích cho vay nhằm kiểm soát dòng tiền từ ngân hàng đổ vào bất động sản. Việc hạn chế này cộng với lãi suất cho vay cao ngất đã dẫn đến việc hàng loạt công ty bất động sản rơi vào cảnh đình trệ. Nhiều công ty môi giới bất động sản đã phải đóng cửa, hoặc thu hẹp mạng lưới hoạt động, cắt giảm nhân sự. Các chủ đầu tư dự án thì thua lỗ, dự án đang triển khải phải nằm chờ vốn.
Mở tín dụng cho bất động sản hy vọng sẽ là tin vui cho thị trường - Ảnh: Dã Thảo |
Giải thích cho việc mở tín dụng cho bất động sản, cụ thể trước mắt phải gỡ trong lĩnh vực xây dựng nhà ở, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vì thế cũng cho rằng “do nhu cầu nhà ở xã hội hiện rất lớn”.
Theo ông Bình, hiện mặt bằng giá nhà đã ở mức hợp lý, phù hợp mức thu nhập của người dân... Các tầng lớp thu nhập đều có khả năng tiếp cận với bất động sản. Nếu mở tín dụng sẽ tạo ra dòng tiền đổ vào bất động sản, từ đó giúp các chủ đầu tư tiêu thụ được sản phẩm của mình, nhất là nhà ở đã hoàn thiện, qua đó tạo chu chuyển dòng vốn hợp lý trong nền kinh tế. Khi bất động sản được tháo gỡ một phần có thể giúp tháo gỡ nhiều lĩnh vực khác như đẩy nhanh tiêu thụ ximăng, sắt thép hiện đang rơi vào cảnh tồn kho lớn, tạo công ăn việc làm cho ngành xây dựng, cải thiện nợ xấu trong hệ thống ngân hàng... Với các nhà đầu tư, thay vì chỉ được vay để mua nhà ở, nay họ đã có thể tính toán lại chuyện vay tiền ngân hàng đế đầu tư, bán, cho thuê...
Tận dụng cơ hộiĐánh giá những nét nổi bật của tình hình bất động sản quý 1/2012, Frank Knight cũng cho biết, một số tín hiệu đầu năm 2012 cho thấy lạm phát dường như đang được kiểm soát, tạo điều kiện để giảm thêm lãi suất. Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố lộ trình giảm lãi suất huy động, dự kiến đến cuối năm, trần lãi suất huy động chỉ còn 10% thay vì 14% như đầu năm.
Theo lộ trình này thì mỗi quí sẽ giảm 1% trần lãi suất huy động. Tuy nhiên, có thể lộ trình này sẽ được rút ngắn và thực tế trong một tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần giảm trần lãi suất. Điều này hứa hẹn lãi suất cho vay giảm nhanh hơn. Khi lãi suất vay giảm, mở rộng tín dụng bất động sản sẽ giúp gia tăng tính thanh khoản cũng như gia tăng sức mua cho các thị trường đang trầm lắng, trong đó có bất động sản.
Dù vẫn dè dặt khi thể hiện sự lạc quan đối với thị trường bất động sản trong năm 2012, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ còn khó nhưng vẫn có lối ra. Lãi suất giảm giúp doanh nghiệp giảm chi phí tài chánh. Mở rộng tín dụng giúp tạo ra thanh khoản cho thị trường. Có thể, sẽ chưa thể mua bán sôi động, giá khó tăng, thậm chí còn giảm thêm, nhưng ít nhiều cũng giúp các doanh nghiệp bất động sản tiêu thụ các sản phẩm đã hoàn chỉnh.
Đặc biệt, việc Ngân hàng Nhà nước chủ trương cho các ngân hàng cơ cấu lại nợ được xem là liều thuốc bổ cho doanh nghiệp. Đây là điều mà nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực bất động sản trông chờ. Bởi qua cơ cấu lại nợ, không chỉ giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ, kể cả lãi, mà còn có thể cơ cấu lại các dự án. Rồi đây, doanh nghiệp cùng ngân hàng phải tính toán lại, cái nào đầu tư thêm cho ra sản phẩm hoàn chỉnh, dự án nào cần dừng, thậm chí bán bớt…
Nếu làm tốt việc cơ cấu nợ, doanh nghiệp bất động sản sẽ vượt qua khó khăn, chờ thị trường hồi phục để bung ra. Doanh nghiệp chậm trễ trong cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, vẫn cứ “ôm đồm” các dự án, có thể sẽ đánh mất cơ hội trụ lại trong giai đoạn khó khăn này.
Theo Cục đầu tư nước ngoài (FIA), trong ba tháng đầu năm 2012, cả nước thu hút được 2,63 tỷ USD (tương 63,6% của cùng kỳ năm trước). Đặc biệt, ngành bất động sản thu hút lượng vốn đầu tư cao nhất, dẫn đầu với 45,5% tổng số vốn đăng ký. Đây là một tín hiệu khá tích cực.
N.Anh - DiaOcOnline.vn