Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Việc lạm phát giảm tốc và thanh khoản cải thiện mạnh mẽ là một trong những điều kiện quan trọng để NHNN hạ trần lãi suất huy động - Ảnh: Chinhphu.vn |
Lãnh đạo NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng cần tháo gỡ khó khăn, cơ cấu lại nợ, sẵn sàng cung cấp vốn rẻ cho những doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, có điều kiện trả nợ trong tương lai.
Nhiều yếu tố tích cực để hạ lãi suất
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình lạm phát cả quý I/2012 ở mức 2,55%, mức thấp trong nhiều năm trở lại đây, cho thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 2 con số trong năm nay là có thể đạt được.
NHNN cũng đã tham khảo ý kiến các tổ chức tài chính tiền tệ uy tín, chuyên gia kinh tế, cùng với phân tích cụ thể và khẳng định việc hạ lãi suất xuống thêm là cần thiết (trước mắt là 1%, nếu tình hình diễn biến tích cực, trung bình mỗi quý NHNN giảm 1% như dự kiến ban đầu).
Bên cạnh đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã được cải thiện tích cực khi nguồn vốn huy động cao hơn nguồn vốn sử dụng 130.000 tỷ đồng, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng trung bình 60.000tỷ đồng, cao hơn dự trữ bắt buộc 15.000- 20.000 tỷ đồng và được duy trì ổn định từ đầu năm đến nay.
Đồng thời, Chính phủ đã phát hành thành công tổng lượng Trái phiếu Chính phủ (TPCP) trên 30.000 tỷ đồng với lãi suất thấp, khoảng hơn 11%/năm.
Đã xuất hiện việc niêm yết lãi suất theo các kỳ hạn khác nhau, thấp hơn lãi suất trần NHNN. Ngoài ra, NHNN phát hành thành công tín phiếu 3 kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng , 6 tháng với tổng giá trị 45.000 tỷ đồng.
Lãi suất liên ngân hàng cũng ở mức thấp, lãi suất cho vay qua đêm là 6-7%/năm, lãi suất tuần hoặc tháng cao nhất là 12%/năm. Mức lãi suất này thấp hơn lãi suất thị trường mở của NHNN và tiếp tục ổn định trong 12 tháng.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nhận định với tình hình hiện nay, các ngân hàng cũng không thể huy động vốn bằng mọi giá, khi lách trần lãi suất huy động cao, nhưng cho vay hạn chế thì bản thân các ngân hàng sẽ bị thua lỗ trước.
Không lo thiếu vốn rẻ
Theo NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 2-3%. Tín dụng cho nông nghiệp, xuất khẩu thấp nhất là 13%/năm; các lĩnh vực cho vay sản xuất khác trung bình ở mức 15-19%/năm, trường hợp thấp nhất 15%/năm; còn lại các lĩnh vực không khuyến khích ở mức cao 20-25%/năm.
Trước một số lo ngại tăng trưởng tín dụng thấp so với nhiều năm trước, đại diện NHNN cho biết tín dụng tháng 1 giảm hơn 2% so với cùng kỳ năm 2011, trong tháng 2 giảm 0,07%, cơ bản cân bằng thu nợ và cho vay, đến tháng 3 tín dụng tăng trên 1%. Tính chung quý I/2012 tăng trưởng tín dụng giảm hơn 1%.
Một nguyên nhân nữa là, cuối quý IV/2011,một số tổ chức tín dụng có số tăng trưởng tín dụng ảo để đối phó với việc áp tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của NHNN trong năm 2012.
Nếu loại trừ yếu tố ảo, quý I/2012 tăng trưởng tín dụng chỉ giảm 0,4%, tuy nhiên, vẫn không đáng lo ngại vì nếu các tháng còn lại tăng trưởng tín dụng đạt 1,5% đến 2% là đủ mức tăng trưởng 15-17%, đáp ứng vốn cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% của năm 2012.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận là nợ xấu có chiều hướng tăng lên trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đầu năm nợ xấu 3,2%, đến nay nợ xấu đã tăng lên khoảng 3,6%, tại một số tổ chức tín dụng cụ thể, tỷ lệ còn cao hơn nhiều.
Đối với những phản ánh về việc doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay giá rẻ, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, các tổ chức tín dụng nếu cho doanh nghiệp vay được thì sẽ không mua Trái phiếu Chính phủ. Vì vậy, vấn đề là làm sao tìm được doanh nghiệp tốt, dự án khả thi để cho vay, chắc chắn sẽ có nguồn vốn với lãi suất rẻ (ở mức 14-16%/năm).
NHNN đã yêu cầu các ngân hàng chủ động xem xét cơ cấu lại nợ các doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng có điều kiện phục hồi.
Bên cạnh đó, NHNN cũng tiến hành hạ lãi suất xuống, cơ cấu lại nợ cũ, mở ra các lĩnh vực cho vay tiêu dùng, bất động sản cũng là đang tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Huy Thắng