Dự trữ quốc gia bằng tiền hay hàng hóa?

12/04/2012 08:02 AM

- Dự trữ quốc gia bằng tiền hay hàng hóa là một trong những nội dung có nhiều ý kiến khác nhau tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo luật Dự trữ quốc gia sáng 11/4.

Xây dựng từ pháp lệnh dự trữ quốc gia (có hiệu lực từ 2004), dự thảo luật Dự trữ quốc gia được xây dựng trong bối cảnh yêu cầu về nguồn lực dự trữ quốc gia ngày càng lớn nhằm đảm bảo an sinh xã hội, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững kinh tế.

Theo báo cáo tổng kết pháp lệnh dự trữ quốc gia, trải qua 8 năm, tổng mức dự trữ quốc gia vẫn khiêm tốn. Trong bối cảnh yêu cầu mới, tờ trình do cơ quan soạn thảo - Bộ Tài chính - cho hay, cần phải hình thành dự trữ quốc gia đủ mạnh, tổ chức quản lý, điều hành, sử dụng hiệu quả, bảo đảm kịp thời, đầy đủ, minh bạch, đúng đối tượng và tiết kiệm chi phí trong chỉ đạo điều hành phối hợp ứng cứu, bảo vệ người dân, tài sản và môi trường.

Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Các ý kiến thảo luận đồng tình việc cần thiết phải hình thành dự trữ quốc gia đủ mạnh theo yêu cầu trong bối cảnh mới song còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh các quy định cụ thể.

Danh mục những mặt hàng chiến lược, quan trọng, thiết yếu, có tần suất sử dụng nhiều, quy mô lớn... là nội dung khiến cơ quan thẩm tra dự án luật - UB Tài chính - Ngân sách - băn khoăn về tính hợp lý, theo hướng quy định như dự luật là "quá rộng và chung chung". 

Quan điểm của cơ quan thẩm tra dự án luật là nguồn lực ngân sách nhà nước có hạn nên việc đầu tư cho dự trữ quốc gia cũng như mọi lĩnh vực khác đều phải có trọng tâm, dựa trên sự cần thiết và cấp bách của nhu cầu.

Một trong những nội dung được tranh luận nhiều chiều đó là nên dự trữ quốc gia bằng tiền hay hàng hóa, hay trên cơ sở có tính toán tỷ lệ giữa dự trữ bằng hàng và bằng tiền như dự thảo luật quy định.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc dự trữ bằng tiền, nếu có, cũng để nhắm tới mục đích để mua hàng hóa nhằm phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó với tình huống đặc biệt nghiêm trọng.... 

Khi mục tiêu cuối cùng là hàng hóa thì việc dữ trự trực tiếp bằng tiền là không nên. Hoặc đề cập quan điểm dự trữ bằng tiền và dự trữ ở dạng ngoại tệ hay nội tệ, ông Hiển cũng cho rằng trong khi ngân sách hạn hẹn thì việc để một nguồn tiền, kể cả nội tệ hay ngoại tệ một chỗ như vậy không hợp lý. Quan điểm của UB Tài chính - Ngân sách là chỉ nên dự trữ bằng các loại vật tư, hàng hóa thiết yếu.

Trong khi đó, có những ý kiến ủng hộ cho việc dự trữ song song hai hình thức, trong đó tiền dự trữ ở dạng ngoại tệ để chủ động sử dụng trong trường hợp có nhu cầu cần thiết. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại đồng tình với quan điểm của UB Tài chính - Ngân sách về việc không nên đầu tư dự trữ quốc gia bằng tiền mà chỉ nên là hàng hóa thiết yếu.

Dự án sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, cho ý kiến để trình Quốc hội thời gian tới.

Linh Thư

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,866

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079