Thu phí ATM: cần giải pháp căn cơ hơn

11/04/2012 11:04 AM

TT - Các ngân hàng chuẩn bị thu phí đối với các giao dịch nội mạng bằng thẻ ATM. Lý do được đưa ra vẫn như cũ: ngân hàng cần tiền để đầu tư mở rộng mạng lưới dịch vụ ngân hàng tự động và cải thiện chất lượng phục vụ.

Khách hàng xếp hàng chờ rút tiền từ máy ATM trên đường Võ Văn Ngân, P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: N.C.T.

Có thể có một lý do như thế và đúng là ai thụ hưởng một dịch vụ cụ thể nào đó thì phải chi trả, trừ trường hợp dịch vụ được nói rõ là cho không. Người ta chỉ thắc mắc tại sao ở các nước có hệ thống giao dịch ngân hàng tự động phát triển mạnh không có chuyện đòi thu phí kiểu này, còn mình thì có.

Ở các nước ấy, các cột ATM thường vắng khách, lâu lâu mới có một người đến rút tiền và đa số trường hợp chỉ rút một số ít, cần thiết cho việc chi tiêu mua sắm lặt vặt trong ngày, trong tuần. Tất nhiên không thể nói rằng người ta không rút nhiều tiền bởi vì ít tiêu xài, đơn giản là các chi tiêu lớn được thanh toán chủ yếu bằng các phương thức khác, như thẻ tín dụng, chi phiếu hoặc chuyển khoản.

Trong khi đó, ở nước ta các điểm rút tiền tự động rất thường xuyên có người đến giao dịch. Đặc biệt vào các dịp lễ tết, những hàng người rồng rắn chờ đến lượt tại các máy đặt ở các khu công nghiệp, khu dân cư đông đúc là hình ảnh đã trở thành quen thuộc từ mấy năm nay. Ở nước ta, tiền mặt là phương tiện thanh toán chủ lực khắp mọi nơi, từ các chợ chồm hổm đến các thương xá sang trọng. Thậm chí mua một căn nhà to người mua cũng thích trả bằng tiền mặt (đúng hơn là bằng vàng).

Trong điều kiện nhu cầu sử dụng tiền mặt lớn, ngân hàng phải liên tục bơm thật nhiều tiền giấy vào các máy ATM cho người ta rút. Điều đó cũng có nghĩa là có một lượng rất lớn tiền mặt luôn phải nằm ở các điểm rút tiền để chờ được rút và không thể được sử dụng vào việc khác. Nhiều ngân hàng không có đủ hoặc có đủ nhưng không thường xuyên để tiền mặt ở các điểm đặt máy với số lượng khả dĩ đáp ứng nhu cầu rút tiền. Hậu quả là nhiều máy nhiều lúc không có tiền, khiến người muốn rút tiền phải chạy lòng vòng. Thế là để khỏi mất công, mỗi lần tìm được máy thì người rút tiền là viên chức, công nhân, sinh viên... tranh thủ rút một lần đến hết số dư còm cõi trong tài khoản của mình cho tiện.

Rốt cuộc, đối với người làm công ăn lương, máy ATM chỉ là vật thay thế thủ quỹ ở cơ quan trước đây, còn thói quen sử dụng tiền mặt vẫn y nguyên.

Nhưng nếu vậy tại sao người lãnh lương ngày xưa không phải trả đồng nào cho thủ quỹ mà bây giờ phải trả phí sử dụng chiếc máy thay thế? Đáng lý ra, nếu đúng là chiếc máy bây giờ làm thay công việc của thủ quỹ ngày xưa, thì chính các ông chủ của người ăn lương phải trả tiền cho việc lắp đặt và vận hành của chiếc máy, để người ăn lương có thể sử dụng nó khi cần. Cũng theo logic suy nghĩ đó, để các ông chủ không phải chịu chi phí xây dựng và duy trì hệ thống ATM, thì chỉ có mỗi cách là làm thế nào để người ta không coi chiếc máy đó chẳng khác một người phát ngân tự động.

Rõ hơn, phải phổ biến cho được các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch thông thường của người dân, nhất là người làm công ăn lương: phải làm cho các phương thức thanh toán đó được thực hiện một cách dễ dàng, đơn giản và không mất nhiều thời gian. Một khi có thể chi trả một cách thuận tiện bằng các phương tiện khác thì chẳng ai tội gì giữ nhiều tiền mặt cho mệt.

 Chưa tính đủ khoản lợi

Ngân hàng đưa ra nhiều lý do phải chi tiêu: bảo trì máy, thuê đường truyền, bảo đảm tiền tối thiểu trong mỗi máy... để thu phí người sử dụng thẻ ATM. Sao ngân hàng không tính khoản tiền tận dụng được khi buộc chủ thẻ phải để lại tiền tối thiểu trong tài khoản cá nhân. Thử tính mỗi tài khoản nếu có từ 50.000-100.000 đồng, tổng số tiền trong thẻ ATM cho toàn bộ khách hàng cá nhân của một ngân hàng có chừng vài trăm ngàn người sử dụng thẻ thì số tiền đã là hàng tỉ đồng. Hãy tính đủ những khoản lợi này để đừng thu thêm phí của người dùng thẻ.

bebebangchu@...

 Có phần lạm thu

Các dịch vụ giao dịch qua ATM ở nước ta còn hạn chế nhiều mặt và chưa phổ biến lắm. Ở các nước châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... khách hàng sử dụng dịch vụ ATM rất tiện lợi (tự nộp tiền vào tài khoản, chuyển khoản nhanh, chi phí thấp, máy ATM ít gặp sự cố...). Ở nước ta chưa có nhiều máy ATM để khách hàng tự nộp tiền vào tài khoản, thời gian giao dịch tự động giữa các ngân hàng ngoài hệ thống còn chậm, lệ phí cao. Nay các ngân hàng chưa kịp đổi mới, hiện đại hóa dịch vụ mà lại tính thu thêm nhiều loại phí e là khó khả thi. Việc trang bị và phổ biến máy ATM là giúp các ngân hàng giảm nhiều chi phí và tiết kiệm thời gian giao dịch, nay lại thu thêm nhiều loại phí để “bù” vào các khoản như lý do của Hiệp hội Thẻ đưa ra là chưa thuyết phục và có phần lạm thu đối với khách hàng sử dụng ATM.

Dương Đức Thọ

 Đừng ép nhận lương qua thẻ

Nhiều người lao động chỉ mong muốn được lãnh lương bằng tiền mặt mà thôi, nhưng phải lãnh lương qua thẻ là do thỏa thuận giữa chủ doanh nghiệp và ngân hàng. Công nhân không có nhiều thời gian mà sau khi đi làm về phải xếp hàng chờ đợi vào máy rút tiền, tiền rút lại lúc có lúc không rất vất vả. Nay ngân hàng đòi thu phí, chuyện đó là chuyện của ngân hàng với chủ doanh nghiệp, sao lại dồn lên công nhân? Nếu thu phí thì hãy để công nhân lựa chọn, đừng ép phải nhận lương qua thẻ nữa.

thanhtrunggd@...

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,966

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079