LS NH giảm, nhưng việc tiếp cận vốn vay không dễ. Ông Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội DNVVN đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về nghịch lý này. Ông Kiêm cho biết:
Việc giảm lãi suất huy động xuống 13% không có nghĩa là DN vay vốn dễ dàng hơn. Có thể so với trước, khả năng thanh khoản của các NH lớn đã được cải thiện. Tuy nhiên, nhiều NH nhỏ khả năng thanh khoản vẫn kém, buộc phải huy động ở thị trường tự do, lãi suất cao, vì vậy khả năng an toàn của NH thấp, rủi ro cao. Về phía DN, đại bộ phận DN đều thiếu vốn và đều trông chờ vào vốn vay NH để phát triển sản xuất, kinh doanh. Song các DN cũng phân hóa thành nhiều đối tượng.
Có đối tượng phải tính toán đến khả năng trả nợ, do lãi suất cao quá nên thật sự cần thiết mới vay. Tuy nhiên, có vay được hay không lại phải đáp ứng điều kiện của NH như dự án tốt, khả thi, có thể trả được nợ vay... Đối tượng thứ hai là "uống thuốc độc để giải khát", nghĩa sắp chết đến nơi rồi, nhưng chấp nhận lãi suất cao mong sống qua ngày. Những đối tượng DN chấp nhận vay lãi suất cao, thậm chí lãi suất qua đêm, nên sẽ là khách hàng của các NH chấp nhận cho vay rủi ro, lãi suất cao.
Ông đánh giá thế nào về năng lực hấp thụ vốn của DN VN hiện nay?
Năng lực hấp thụ rất kém. Kể cả số có năng lực cạnh tranh cũng gặp khó khăn. Tôi cũng có nghe thông tin, riêng tại TPHCM theo đánh giá sơ bộ đã có tới 60% DN gặp khó khăn, trong số này không ít DN đã giải thể, phá sản, chỉ có khoảng 20% số DN sống sót và đang tồn tại. Đây là thành phố năng động nhất nước mà còn thế, thì toàn quốc và các địa phương khác còn bê bết hơn. Riêng với khu vực DN vừa và nhỏ, theo thống kê đã có tới gần 30% DN tuyên bố phá sản, giải thể - là mức chưa từng có từ trước đến nay.
Giải pháp cho vấn đề này như thế nào? DN gặp khó khăn là do chính sách thắt chặt tín dụng để kéo lạm phát, nhưng nếu DN gặp khó khăn, không tiếp cận được vốn, trong khi lạm phát vẫn tăng cao, thì hiệu ứng dây chuyền sẽ tác động đến cả nền kinh tế, thưa ông?
- Theo tôi, giải pháp tốt nhất là phải nhanh chóng hạ lãi suất, từ đó hạ nhiệt lạm phát. Chính phủ điều hành đồng bộ các chính sách khác song song với chính sách tiền tệ như việc hạ lãi suất đi đôi với chính sách về tài khóa, bội chi ngân sách, chính sách thương mại, chính sách đầu tư, phải làm sao để DN giảm chi phí, giảm hệ số ICOR (hiệu quả đầu tư trên sản phẩm). Về phía DN, các tập đoàn, TCty nhà nước cũng phải sử dụng hiệu quả đồng vốn, tiết giảm chi phí bất hợp lý, chủ động tái cơ cấu ngành nghề, thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Giải pháp phân loại các NH vừa qua có giúp cải thiện yếu kém của hệ thống NH để tăng thanh khoản cho vay không, thưa ông?
- Phân loại chỉ là một giải pháp, bản thân các NH đều phải cơ cấu lại để kinh doanh hiệu quả hơn. Việc này phải chấp nhận hy sinh, sẽ có những NH phải sáp nhập, giải thể, song vấn đề quan trọng là làm lành mạnh nền kinh tế.
- Cảm ơn ông!
Theo Hồng Quân
Lao động