Chính sách mới >> Tài chính 19/03/2012 13:50 PM

Công ty chứng khoán trước giờ G

19/03/2012 13:50 PM

Chỉ còn hai tuần nữa là tới thời điểm áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo thông tư số 226/2010/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh CK không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.

Các biện pháp được cơ quản lý tính đến như rút nghiệp vụ, sáp nhập thậm chí giải thể các Cty yếu kém. Nhiều CTCK trong thời gian gần đây đã khá chủ động trong việc tái cấu trúc như đóng cửa hàng loạt các chi nhánh, phòng giao dịch, cắt giảm nhân sự… để thu gọn mạng lưới, tinh giản bộ máy.

Chủ động rút lui

Theo thông báo của HSX, kể từ ngày 16.3 CTCK Trường Sơn (TSS) sẽ ngừng hoạt động giao dịch tại sở để hoàn tất thủ tục chấm dứt tư cách thành viên. Trước đó, cùng với CTCK Gia Anh, CTCK Đông Dương, TSS cũng đã xin rút nghiệp vụ môi giới. Trước đó, HNX cũng đã thông báo ngừng hoạt động giao dịch của CTCK Hà Nội (HSSC) trên cả thị trường niêm yết và UPCoM theo đề nghị của Cty để hoàn tất thủ tục chấm dứt tư cách thành viên của Cty này. CTCK SME ngay đầu tháng 3 đã công bố thông tin bất thường về việc tạm dừng hoạt động môi giới, đóng cửa chi nhánh TPHCM và ngừng hoạt động lưu ký. Cty cũng cho biết sẽ tạo điều kiện cho NĐT hoàn tất tài khoản và chuyển khoản CK sang CTCK khác.

Còn đối với các trường hợp đóng cửa chi nhanh, đóng cửa phòng giao dịch thì nhiều vô kể: VDSC đóng cửa chi nhánh Đà Nẵng tại tầng 2, tòa nhà số 48 đường Trần Phú, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng; HSC đóng cửa phòng giao dịch 193C Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội; APSI đóng cửa chi nhánh tại số 13 Cao Thắng, phường 2, quận 3, TPHCM; BSI tạm ngừng hoạt động chi nhánh tại số 38-40-42 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM...

Theo đánh giá của UBCKNN, việc các CTCK cắt giảm nhân sự, thu gọn mạng lưới là một sự “chủ động tái cấu trúc”. Cơ quan này cũng bày tỏ sự khuyến khích các CTCK tự nguyện từ bỏ những nghiệp vụ mà đối với họ không có hiệu quả kinh tế.

Sẽ mạnh tay cưỡng chế

Quá trình tái cấu trúc được đẩy nhanh trong bối cảnh kinh tế còn hết sức khó khăn. Nói như Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng, các CTCK bé mà số lượng nhiều (105 Cty), cạnh tranh trong bối cảnh khó khăn, nhiều Cty có quản trị kém nên thua lỗ và mất thanh khoản. Nhưng từ ngày 1.4, thông tư 226 về kiểm soát rủi ro các CTCK sẽ có hiệu lực cưỡng chế. Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết: “Trong quá trình kiểm soát rủi ro, chúng tôi triển khai tích cực thông tư 226. Chúng tôi đã chủ động kiểm tra 40 Cty yếu kém, làm việc với 10 Cty ở tình trạng báo động. Đến nay đã có 4 - 5 Cty đủ điều kiện rút giấy phép môi giới, các Cty khác cần xử ký khoản nợ và rút bớt nghiệp vụ”.

Theo thông tin từ người đứng đầu UBCKNN, ngay từ đầu năm UBCKNN đã có danh sách 20 CTCK cần kiểm tra, đánh giá việc liên thông vốn với NH. “Cần làm sáng tỏ an toàn tài chính của những đối tượng này để có hướng xử lý trong quá trình tái cấu trúc thời gian tới. Chúng tôi đã trực tiếp làm việc với Cty khó khăn, kể cả rút môi giới” - ông Vũ Bằng khẳng định. Và từ 1.4, UBCKNN sẽ bắt đầu phân loại các CTCK thành những nhóm cụ thể để có giải pháp ứng xử với từng nhóm. Và trên cơ sở đó sẽ xử lý, giảm bớt số lượng theo hướng số lượng ít nhưng quy mô lớn. Trong đó, quan trọng nhất là chất lượng, tập trung vào quản trị Cty và kiểm soát rủi ro. Ông Vũ Bằng cũng cho biết, trong năm nay, UBCKNN sẽ ban hành thêm văn bản quy định cụ thể vể các tiêu chí quản trị rủi ro và quản trị DN bên cạnh thông tư 226.

Bộ trưởng Bộ Tài chính trong buổi triển khai nhiệm vụ ngành CK đầu tháng 3 cũng cho biết sẽ nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 84; đánh giá, xử lý CTCK yếu kém; đánh giá lại hình thức liên thông CTCK trực thuộc các TCTD và các biện pháp nâng cao an toàn tài chính. Bộ trưởng cũng cho biết sẵn sàng áp dụng biện pháp hợp nhất, giải thể CTCK hoạt động không hiệu quả. “Chúng ta không thể cắt bỏ máy móc số lượng CTCK xuống 25 hay 50 Cty được. Nhưng trong quá trình tái cấu trúc sẽ sàng lọc, rút bớt dần chức năng môi giới. “Bộ đang triển khai đề án tái cấu trúc này một cách quyết liệt” - Bộ trưởng khẳng định.

Theo thông tư 226, các CTCK sẽ được phân loại thành ba nhóm

Nhóm 1: Bình thường (các CTCK có tỉ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro trên 150% và có lãi hoặc lỗ luỹ kế dưới 30% VĐL): Tiếp tục củng cố hoạt động nhằm bảo toàn vốn, hạn chế mở chi nhánh, giảm nghiệp vụ có tính rủi ro cao, cơ cấu lại danh mục đầu tư...

Nhóm 2: Kiểm soát (các CTCK có tỉ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro từ 120%- 150% và có lỗ luỹ kế từ 30-50% VĐL): Đặt vào tình trạng kiểm soát và áp dụng các biện pháp khắc phục như tăng VĐL, cơ cấu danh mục đầu tư, các khoản vay nợ, giảm chi phí hoạt động; thực hiện hợp nhất, sáp nhập theo quy định.

Nhóm 3: Kiểm soát đặc biệt (các CTCK có tỉ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 120% và có lỗ luỹ kế trên 50% VĐL): Đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt và áp dụng các biện pháp (ngoài các biện pháp như nhóm 2) như: Yêu cầu soát xét về tình hình tài chính, đầu tư, công nợ, rút bớt nghiệp vụ đối với CTCK để thu hẹp phạm vi hoạt động; giải thể phá sản nếu không khắc phục được.

Lưu Thủy

Lao động

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,783

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079