Hai tháng: Giải quyết khó khăn thanh khoản
Đã diễn ra một sự thay đổi đáng ngạc nhiên từ phía Ngân hàng nhà nước. Nếu vào tháng 1/2012, hầu hết những phát ngôn của cơ quan này vẫn còn đặt nặng nguy cơ thiếu hụt thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, thì chỉ hai tháng sau đó, dường như mọi chuyện lại "đảo chiều".
Thanh khoản ngân hàng đã được bảo đảm, trở thành điều kiện đủ để hạ lãi suất - như một tuyên bố của thống đốc NHNN trong cuộc họp báo diễn ra sau phiên họp thường kỳ tháng 2/2012 của Chính phủ. Trước đó, một nhận định đáng chú ý khác thuộc về bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ, khi ông cho rằng đã hội tụ hai điều kiện cần và đủ để giảm lãi suất.
Hệ quả của vấn đề thanh khoản mà đã lộ ra từ năm ngoái, đến nay lại đang hình thành rõ nét hơn nhiều. Từ tháng 10/2011, phần lớn các ngân hàng thuộc nhóm G12, tức nhóm không bị ảnh hưởng bởi chiến dịch tái cấu trúc ngân hàng, trong khi lại khá dôi dư nguồn vốn cho vay, đã bắt đầu sốt ruột trước tình trạng vốn bị ứ đọng trong ngân hàng mình. BIDV, Vietcombank, Techcombank và một vài ngân hàng thương mại cổ phần khác là những đơn vị tỏ ra sốt sắng nhất đối với phương án giảm lãi suất.
Tuy vậy, từ đó đến nay vốn tại những ngân hàng này vẫn tiếp tục bị ứ đọng mà chưa thể tìm ra phương cách khả dĩ nào nhằm "tiếp cận doanh nghiệp".
Tại cuộc họp báo mới đây, người đứng đầu cơ quan nhà nước không những đề cập đến khả năng thanh khoản được bảo đảm và do đó có thể kéo giảm lãi suất huy động, mà còn "hàm ý" về khả năng mặt bằng lãi suất cho vay có thể hạ về mức 14,5-16% trong thời gian tới.
Rất có thể, hàm ý trên đã trở nên một tín hiệu đối với các ngân hàng, nhất là những ngân hàng "thạo tin" như BIDV, Vietcombank, Eximbank, kể cả Agribank. Từ trung tuần tháng 2/2012, sau khi công văn 674 của NHNN được ban hành về quy định tỷ lệ tối đa 16% dư nợ cho vay đối với những lĩnh vực không khuyến khích như chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng, "sóng" giảm lãi suất cho vay bắt đầu khởi động.
Tuy chưa mang tính thực chất và mới chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ doanh nghiệp được "tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ", nhưng nếu tính từ tháng 9/2011 thì đây là lần đầu tiên xuất hiện một con sóng giảm lãi suất cho vay.
Có vẻ như ý kiến của Thủ tướng trong những phiên họp gần đây đã mang tính quyết định đối với quyết định giảm lãi suất của NHNN. Dù không xác nhận là chịu sức ép của Chính phủ về vấn đề phải giảm ngay lãi suất, nhưng một thực tế mà ai cũng thấy là Chính phủ đã luôn chịu sức ép của dư luận về tình trạng khốn khó trăm bề của khối doanh nghiệp sản xuất, nông nghiệp, xuất khẩu trước nạn đói vốn, khiến NHNN không thể mãi làm ngơ với chuyện này.
Lộ trình đánh đố
Thực ra, thanh khoản khó khăn như thế nào, chỉ có NHNN mới nắm rõ. Và việc giải quyết thanh khoản ra sao, điều tiết vốn giữa các ngân hàng với nhau cùng với biện pháp tái cấp vốn, cũng chỉ NHNN mới làm được. Do vậy, tựu trung là vấn đề "khó khăn thanh khoản", vốn đã không hiện ra trước tháng 12/2011, thì nay cũng tự nhiên mà "biến mất" không một chút khó khăn gì!
Tín hiệu phát ra từ NHNN, một khi "khó khăn thanh khoản đã được giải quyết", là tín dụng bắt đầu khả quan hơn. Không phải ngẫu nhiên mà một chuyên gia ngân hàng đã coi tín hiệu này là "công cuộc giải cứu doanh nghiệp đang bắt đầu". Cùng lúc đó, đã bắt đầu có xác nhận từ vài ba ngân hàng lớn về khả năng "trong vài tuần tới" sẽ mở ra chương trình cho vay ưu đãi hơn, có nghĩa là khả năng doanh nghiệp tiếp cận ngân hàng, cũng như ngân hàng tìm được doanh nghiệp, sẽ thực chất hơn. Khi đó, hy vọng về luồng vốn từ ngân hàng chảy dần vào khu vực sản xuất để giúp khu vực này bắt đầu hồi sức là có cơ sở.
Tuy thế, kỳ vọng vẫn chỉ là kỳ vọng. Việc NHNN và những ngân hàng lớn nới bầu tín dụng bao nhiêu và trong bao lâu là phạm trù hoàn toàn riêng biệt của họ, các doanh nghiệp không thể biết được. Cũng bởi, cho đến nay từ phía NHNN vẫn chưa hề công khai hóa bất cứ một lộ trình nào về giảm lãi suất như điều đã được cơ quan này hứa hẹn từ quý 3/2011. Lãi suất huy động chỉ được ước định theo "chỉ tiêu" giảm về mức 10% vào cuối năm 2012, tức giảm tương đương 1% cho mỗi quý. Nhưng còn lãi suất cho vay có thể được kéo giảm như thế nào thì vẫn chưa ai xác định.
Trong khi đó theo thống đốc NHNN, lại xuất hiện phương án có thể bỏ trần lãi suất huy động trong thời gian tới. Nếu khả năng này xảy ra, có thể nói việc kéo giảm lãi suất huy động về 13% vào giữa tháng 3/2012 chẳng có ý nghĩa gì hết, hay nói cách khác là chỉ có một tác động an ủi nho nhỏ về tâm lý đối với doanh nghiệp mà thôi.
Nếu trần lãi suất huy động được bỏ đi, nhiều khả năng "chợ lãi suất" lại hoạt động nhộn nhịp trở lại, hoạt động một cách hợp pháp hóa. Những ngân hàng trước đây giấm dúi huy động lãi suất theo phương thức "thỏa thuận" với khác hàng. Cũng khi đó, triển vọng tốt nhất cho việc giữ nguyên mặt bằng lãi suất huy động và do đó là mặt bằng lãi suất cho vay là lòng "từ tâm" của khối các ngân hàng lớn khi bắt buộc phải giảm lãi suất cho vay để tiêu thụ nguồn vốn ế thừa.
Rất nhiều ẩn số vẫn đang và sẽ hiện hữu trong phác đồ kế hoạch năm 2012 của các doanh nghiệp. Bầu tín dụng có thể được nới lỏng đấy, nhưng vào bất cứ thời điểm nào cũng có thể bị thắt chặt lại.
Nhưng vấn đề đáng ngán ngại nhất là cái cơ chế nới lỏng hay thắt chặt như thế đã và có thể sẽ không tùy thuộc vào mục tiêu "giải cứu doanh nghiệp", mà vẫn phải neo vào đó lợi ích của các ngân hàng.
Theo Việt Thắng
VEF