Chính sách mới >> Tài chính 09/03/2012 10:29 AM

Kỳ vọng giảm lãi suất và phép thử thanh khoản ngân hàng

09/03/2012 10:29 AM

Thanh khoản được xem là “khó khăn” của hệ thống ngân hàng đang khiến cho cơ chế giảm lãi suất trở nên không còn tương xứng với ý nghĩa phải có của nó.

Nếu ngay tại thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước chấp nhận kéo giảm mặt bằng lãi suất huy động về 13% như tuyên bố của Thống đốc Nguyễn Văn Bình sau phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2012, thì điều đó sẽ có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp?

Vào quý 4/2011, câu hỏi này còn có thể được thỏa mãn phần nào với một điều kiện then chốt là khả năng cung ứng lượng tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng nhỏ. Còn giờ đây, xem ra hiện trạng thanh khoản được xem là “khó khăn” của hệ thống ngân hàng đang khiến cho cơ chế giảm lãi suất trở nên không còn tương xứng với ý nghĩa phải có của nó.

Để đánh giá phép thử về thanh khoản và kỳ vọng giảm lãi suất kèm theo nó, đơn giản nhất, người ta nên nhìn vào thực tế “tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ” của các doanh nghiệp trong 6 tháng qua. Thực tế, chủ trương hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nhà nước phát đi vào tháng 9/2011, nhưng cho tới nay, mọi chuyện vẫn chưa đi tới đâu. 

Nếu BIDV là ngân hàng đi tiên phong với 5 lần giảm lãi suất cho vay mà tỷ lệ doanh nghiệp được vay thực sự vẫn còn khá thấp, thì việc các ngân hàng tiếp nối BIDV như Vietcombank, Viettinbank, Agribank, ACB... cho đến giờ vẫn chưa chứng minh được một thành công thực chất nào trong việc tạo kênh thu hút doanh nghiệp vay, cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Điều đáng ghi nhận duy nhất là BIDV đã không còn quá cô độc trên thị trường cho vay. Từ trung tuần tháng 2/2012, khá nhiều ngân hàng nằm trong nhóm G12 và cả một số ngân hàng TMCP như VIB, VPBank, ĐaiABank, TienphongBank... đã giảm lãi suất cho vay với tỷ lệ kéo giảm từ 1-3% - được xem là là mức giảm có ý nghĩa nhất trong 6 tháng qua.

Một điểm trùng hợp đáng mổ xẻ là thời điểm khởi phát “chiến dịch” trên lại tương ứng với mốc thời gian mà Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 01 và kèm theo đó là Công văn 674 - hai văn bản gây tranh luận khá nhiều giữa tính “thắt chặt tín dụng” và “nới lỏng tín dụng” của chúng. Tỷ lệ khống chế dư nợ cho vay tối đa 16% đối với những lĩnh vực “không khuyến khích” trong công văn 674, thoạt đầu đã làm cho giới đầu tư có cảm giác về một hành động “đóng” hơn là “mở”. 

Nhưng sau đó, một thực tế đáng ngạc nhiên là bất chấp tinh thần có vẻ cứng rắn của Ngân hàng Nhà nước, thị trường chứng khoán vẫn hồi phục ngày càng mạnh mẽ hơn.

Câu hỏi đặt ra là phải chăng Công văn 674 đã tiếp nối cho một luồng suy diễn của giới đầu tư, tức “nới lỏng tín dụng” cho các kênh đầu tư chứng khoán và bất động sản? Với chứng khoán, kể từ thời điểm Nghị quyết 11 của Chính phủ được ban hành vào tháng 2/2011 về thắt chặt đầu tư công và tín dụng, 674 đã trở thành văn bản đầu tiên của cơ quan Ngân hàng Nhà nước không cấm cho vay đối với hoạt động đầu tư cổ phiếu. 

Theo một cách nào đó, có thể so sánh sự gần gũi giữa Công văn 674 với một văn bản cũng do Ngân hàng Nhà nước ban hành vào tháng 11/2011 - Công văn 8844 - về loại trừ 4 nhóm bất động sản khỏi khu vực phi sản xuất, không chỉ đưa khái niệm “phi sản xuất” về cụm từ “không khuyến khích”, mà còn lần đầu tiên làm cho nhà đầu tư hiểu rằng kênh đầu tư chứng khoán vẫn còn lối mở. 

Minh chứng rõ rệt nhất cho suy diễn này là sau Chỉ thị 01 và Công văn 674, một số ngân hàng và công ty chứng khoán đang rục rịch mở lại cơ chế cho vay đòn bẩy tài chính đối với kênh cổ phiếu.

Tuy nhiên, bất động sản lại là một chuyện khác hoàn toàn. Ngay cả ACB, một ngân hàng dù đã duy trì tín dụng cho người mua và xây sửa nhà vào giai đoạn khó khăn nhất trong năm 2011, cũng không mấy mặn mà đối với việc gia tăng lượng vốn cho vay. Với nhiều ngân hàng khác, cánh cửa cho vay đối với bất động sản vẫn đang khép chặt, rất chặt.

Những con số thống kê vào cuối năm 2011 và đầu năm 2012, tuy thật ngạc nhiên là khác nhau khá lớn về giá trị tuyệt đối khi có nơi đánh giá dư nợ bất động sản khoảng 200.000 tỷ đồng, có nơi lại đến hơn 250.000 tỷ đồng, nhưng cũng cho thấy lượng hàng tồn kho và sức ì của khu vực bất động sản quả là vô địch! Với sức ì quá lớn và độ rủi ro quá cao như thế, một khi bất động sản chưa được giải quyết về tín dụng cho vay, thì có lẽ hy vọng cho các doanh nghiệp sản xuất vẫn chưa thể trở thành một cái gì đó mang tính thực chất. 

Đó cũng chính là lý do vì sao cho dù hàng loạt ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay, nhưng trong thực tế chỉ có một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp được vay. Với một vài ngân hàng lớn, tỷ lệ cao nhất có thể đến 15-20%. Còn với nhiều ngân hàng nhỏ, gói tín dụng cho vay ưu đãi lại chỉ chiếm vài ba phần trăm trong tổng quy mô tín dụng.

Nếu căn cứ vào những nhận định và dự báo từ một cơ quan sát sườn về bất động sản như Bộ Xây dựng, đến các cơ quan nghiên cứu và nhiều nhà phân tích chuyên môn, bất động sản nhiều khả năng còn nằm trong tình thế khó khăn trong ít ra nửa đầu năm 2012. 

Phải chăng, đây cũng là khoảng thời gian mà các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục phải chịu đựng tình trạng thắt chặt tín dụng? Nếu giả thuyết này là đúng thì làn sóng hạ lãi suất của các ngân hàng trong thời gian qua và quyết định chính thức giảm lãi suất từ phía Ngân hàng Nhà nước vào quý 1/2012 cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì lớn đối với việc khơi thông luồng tín dụng phục vụ cho phục hồi nền kinh tế, nhất là nếu vấn đề trần lãi suất cho vay vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm khắc

Theo Hạ Xuyên
Vneconomy

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,061

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079