Chính sách mới >> Tài chính 04/03/2012 23:53 PM

Kiểm soát giao dịch bất thường, cách nào?

04/03/2012 23:53 PM

Hiện chưa có quy định yêu cầu giải trình việc cổ phiếu có khối lượng giao dịch bất thường, trong khi hiện tượng này liên tục xảy ra.

Tiếp nối những ồn ào xung quanh cổ phiếu STB bị thâu mua lượt lớn, đến lượt cổ phiếu EIB của Ngân hàng Eximbank và HBB của Ngân hàng Habubank gây chú ý với khối lượng giao dịch cao đột biến vài phiên giao dịch gần đây, kèm theo vô số các tin đồn gây nhiễu loạn tâm lý NĐT.

Quy định trên TTCK Việt Nam hiện nay chỉ yêu cầu công ty niêm yết (CTNY) giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh và việc cổ phiếu tăng trần, giảm sàn liên tục 5 phiên. Vậy trước bất thường về khối lượng giao dịch, ai sẽ giải trình? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quốc Tuấn, Nghiên cứu sinh ĐH Manchester.

Thưa ông, ở các TTCK phát triển, khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường về khối lượng giao dịch, có quy định nào về nghĩa vụ giải trình không?

Theo tôi được biết, trong một số trường hợp điều tra những vụ giao dịch nội gián thì Ủy ban Chứng khoán và thị trường (SEC) của Mỹ có chú ý điều tra về những bất thường trong khối lượng giao dịch cổ phiếu và quyền chọn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây không phải là quy định chung mà SEC chỉ tiến hành theo từng nghi án riêng lẻ dưới hình thức chủ động khi xuất hiện các nghi ngờ hay kiến nghị.

Ở Anh, trong khuôn khổ Market Abuse Directive (MAD) thì có yêu cầu bắt buộc phải báo cáo về các giao dịch đáng nghi ngờ cho cơ quan quản lý là FSA, nhưng trách nhiệm này đặt lên vai của các nhà môi giới, tổ chức tín dụng và ngân hàng đầu tư. Ngoài ra, những tình huống này cũng là do các tổ chức trên đánh giá theo từng trường hợp mà báo cáo, cho nên tuy là bắt buộc nhưng có độ linh hoạt nhất định. Báo cáo ở đây có ý nghĩa là cảnh báo cho cơ quan quản lý về những bất thường, còn chi tiết vấn đề thì bản thân cơ quan quản lý phải vào cuộc điều tra.

Diễn biến một số cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch cao đột biến  đang phát sinh rất nhiều tin đồn đặc biệt gắn với câu chuyện nóng về Sacombank hiện nay. Có nên đặt vấn đề yêu cầu CTNY giải trình các bất thường này?

Tôi cho rằng với đề xuất này, cần phải xem xét ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất, có những thông tin giao dịch trên thị trường thứ cấp mà bản thân CTNY tại bất kỳ TTCK nào cũng không nắm hết. Hầu hết các CTNY tập trung vào hoạt động kinh doanh chính và có bộ phận quan hệ cổ đông nhưng không thể nhăm nhăm quan sát giao dịch cổ phiếu trên thị trường thứ cấp để phát hiện ra các bất thường. Trong khi cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi các thông tin và nắm các nguồn gốc xuất xứ giao dịch này là Sở GDCK và Trung tâm lưu ký thì tại sao lại bắt CTNY phải giải trình?

Mặt khác, với giao dịch của các cổ đông lớn thì hiện nay, pháp luật Việt Nam cũng đã qui định là phải công khai về thay đổi giao dịch của cổ đông lớn, chẳng hạn sở hữu trên 5% thì giao dịch mua bán phải công bố, muốn sở hữu trên 25% cổ phần thì phải chào mua công khai… Quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế. Còn yêu cầu giải trình "vì sao mua nhiều như vậy" có lẽ là can thiệp quá sâu vào các quyết định kinh doanh của thành viên thị trường. Tuy nhiên, bằng trách nhiệm giám sát giao dịch hàng ngày, cơ quan quản lý phải có trách nhiệm phát hiện ra những bất thường trong diễn biến giao dịch bình thường và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo tính công bằng, minh bạch.

Nếu muốn yêu cầu minh bạch thông tin thì chỉ nên yêu cầu CTNY nghiêm túc báo cáo kịp thời các sự kiện có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và cổ đông, bao gồm những thay đổi liên quan đến tài chính, kế toán, quản trị công ty, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu, các vấn đề liên quan đến kiểm toán…

Ông có bình luận gì về diễn biến của câu chuyện xoay quanh Ngân hàng Sacombank?

Đứng trên góc độ quản lý, tâm điểm cần chú ý trong các thương vụ thâu tóm là quyền lợi của cổ đông cả 2 phía Eximbank và Sacombank. Giả sử Eximbank thâu tóm Sacombank thì liệu các cổ đông (thiểu số) của 2 ngân hàng sẽ có lợi ích hay chịu thiệt thòi? Vai trò của cơ quan quản lý thiết nghĩ chỉ nên là tạo ra khung pháp lý đảm bảo quyền lợi của cổ đông nhỏ trong 2 ngân hàng không bị các "ông chủ lớn" lấn lướt, chứ không cần mạnh tay can thiệp, trừ khi phát hiện ra các bất thường. Bản thân cổ đông nhỏ 2 ngân hàng này nếu thấy quyền lợi bị vi phạm tự nhiên sẽ bán cổ phiếu ra thay vì nắm giữ. Còn để cổ đông nhỏ biết lợi ích của mình ở đâu trong thương vụ này, trách nhiệm lại thuộc về giới truyền thông tài chính, bộ phận quan hệ cổ đông của 2 ngân hàng cũng như bộ phận môi giới, dịch vụ chăm sóc khách hàng của các CTCK.

Giang Thanh thực hiện

Đầu tư chứng khoán

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,452

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079