Chính sách mới >> Tài chính 24/02/2012 22:54 PM

Phân loại ngân hàng: Thon thót giữa “biển” tin đồn

24/02/2012 22:54 PM

Các nhà băng chưa nhận được “trát” mức tăng trưởng tín dụng từ NHNN đang như cá trên thớt vì chưa thể xây dựng kế hoạch tín dụng năm 2012, trong khi các tin đồn về "nhóm 4” liên tục được xới lên.

Rộn ràng tin đồn
 
Ngoài câu chuyện được gọi là “cuộc chiến” giành quyền kiểm soát Sacombank vốn nóng như rang trong tuần qua, đề tài nóng khác mà giới tài chính, ngân hàng bàn tán là danh sách những nhà băng rơi vào nhóm 4 trong cách phân loại để giao mức tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

Nhóm 4, đồng nghĩa với những tính từ bị gán không mấy tốt đẹp, đặc biệt với lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng: “yếu kém”, “không lành mạnh”, “có nguy cơ đổ vỡ”.
 
Những thông tin đồn đoán không chỉ xuất phát từ khi lãnh đạo NHNN úp mở về con số “mươi ngân hàng yếu kém” nhưng không công bố, mà còn xuất phát từ việc các ngân hàng được xếp nhóm 1, 2 (tương ứng với mức tăng trưởng tín dụng là 17 và 15%) lần lượt hồ hởi công bố đã nhận được thông báo của NHNN.
 
Số còn lại lập tức được “quy hoạch” sẽ nằm trong nhóm 3, nhóm 4 dù đến nay còn rất nhiều ngân hàng chưa nhận được văn bản của NHNN.
 
Tuy nhiên, khi hơn nửa số NHTM đã rình rang “khoe” chỉ tiêu tín dụng cao của mình, số ít còn lại đang bị quy dồn thành một hướng: yếu kém. Bởi với con số các ngân hàng còn quá lớn như hiện nay, đồng nghĩa với việc người dân có đủ nhiều lựa chọn, thì tâm lý chung sẽ là không muốn hướng tới các ngân hàng nhóm dưới.
 
Thông tin trên các diễn đàn, thậm chí trong giới tài chính đã lập tức liệt kê ra bảng “phong thần” từ 10 đến 12 ngân hàng nhóm 4, trong đó các ngân hàng phía Nam được cho là chiếm đa số.
 
Song hành với đó là những tin đồn sẽ có thêm vài vụ sáp nhập đình đám ngay trong quý 1/2012. Theo đó, sẽ có tới 2 vụ sáp nhập, với 5 cái tên được nhắc tới trên cả hai miền Nam, Bắc. Và những cái tên đó, đương nhiên bị gán vào nhóm 4.
 
Một Chủ tịch NHTM tại Hà Nội chia sẻ: mặc dù NHNN không công bố danh tính các ngân hàng yếu, nhưng việc các ngân hàng được xếp nhóm 1, 2 chủ động “khoe” thông tin thì không khó khăn gì để tính ra các ngân hàng nhóm dưới. Việc này, theo vị Chủ tịch nói trên, là không tốt cho thị trường.
 
Sống trong lo âu
 
Những tin đồn loang đi trong giới tài chính có vẻ không buông tha bất kỳ ngân hàng nào chưa công bố mức tăng trưởng tín dụng được giao. Đến Sacombank, ngân hàng đang chống chọi với thông tin bị thâu tóm, cũng không phải là ngoại lệ cho đến khi ngân hàng này vui vẻ thông báo họ được giao mức tăng tưởng 17%, tức thuộc vào nhóm 1 - nhóm “sống khỏe”.
 
HDBank, ngân hàng vừa “lĩnh án” của NHNN hồi năm 2011 đến nay vẫn chưa nhận được thông báo phân loại, mặc dù các con số báo cáo cho thấy kết quả kinh doanh của họ khá khả quan so với quy mô của một ngân hàng vừa: lợi nhuận trước thuế 566 tỷ đồng (tăng 61% so với 2010), nợ xấu không chế ở mức 1,63%, dư nợ phi sản xuất chiếm 14,5% tổng dư nợ…
 
Trao đổi với Dân trí, đại diện HDBank cho biết các chỉ số an toàn, hiệu quả của HDBank thuộc nhóm dẫn đầu toàn ngành, và nếu nhìn vào một số ngân hàng được xếp nhóm 1, 2 thì họ không hề kém cạnh. Mặc dù vậy, khi chưa nhận được thông báo “xếp hạng” của NHNN, họ chỉ còn cách xây dựng kế hoạch tín dụng năm 2012 theo hướng tăng không quá 10% theo “y án” từ năm 2011.
 
Nếu giới ngân hàng nói vui là HDBank đã được “giao quota” từ sớm để chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, trong đó có động thái cố gắng mua lại cổ phần ABBank, thì nhiều ngân hàng khác vẫn như cá trên thớt khi chờ đợi “trát” của NHNN.
 
Tổng Giám đốc một NHTM phía Nam (đề nghị không nêu tên) cho biết: hiện chúng tôi đang rất bị động trong kế hoạch kinh doanh, bởi chưa biết được xếp vào nhóm nào.
 
Vị này cũng chia sẻ, trong khi tất cả các NH chưa được thông báo xếp loại đều rơi vào cảnh lo sợ bị khách hàng quay lưng, thì các NH bị đồn đoán trong lọt vào nhóm 4 còn chịu một áp lực lớn hơn nhiều lần: nguy cơ bị thâu tóm.
 
Với chủ trương giảm thiểu số lượng tổ chức tín dụng đã được NHNN nêu rõ vàn hững chính sách có vẻ như có lợi cho các ngân hàng lớn, những lo lắng đó không hẳn không có cơ sở.
 
Có thể nói việc bị xếp vào nhóm 4 với mức tăng trưởng tín dụng 0% coi như là một bản án tử cho các NH yếu, và việc bị thâu tóm, sáp nhập, hợp nhất dù theo công cụ thị trường hay theo công cụ hành chính là điều khó tránh khỏi.
 
Tuy nhiên, các NH nhỏ vẫn mong mỏi một thông báo sớm, để họ còn kịp xoay xở trước những xáo trộn to lớn mà ai cũng đã nhìn thấy.
 
Theo Hồng Kỹ
Dân Trí

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,550

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079