Chính sách mới >> Tài chính 31/01/2012 08:18 AM

'Nhà nước không bao cấp chi phí tái cơ cấu ngân hàng'

31/01/2012 08:18 AM

Số lượng tổ chức tín dụng nhỏ, yếu kém sẽ giảm đi, tăng cường được vị trí chi phối của các ngân hàng thương mại Nhà nước trong toàn hệ thống.

Trao đổi trước thềm xuân mới, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định quyết tâm tái cơ cấu mạnh mẽ hệ thống tổ chức tín dụng trong năm 2012, đồng thời cho biết chi phí cho quá trình này sẽ được chia sẻ một cách hợp lý.

- Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu cải cách nhanh, triệt để hệ thống tổ chức tín dụng. Nhưng trong bối cảnh kinh tế nhiều thách thức của năm 2012, liệu mục tiêu này có khả thi?

- Kinh nghiệm các nước cho thấy thời điểm được coi là hợp lý để cải cách hệ thống tài chính - ngân hàng là lúc nền kinh tế có mức lạm phát tương đối thấp, qua đó tạo dư địa cho sự can thiệp mạnh của Chính phủ và ngân hàng trung ương vào hệ thống. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam hiện vẫn chịu áp lực lạm phát cao, tồn tại những yếu tố có thể gây bất ổn vĩ mô. Nguồn lực của Chính phủ hạn chế do thâm hụt ngân sách lớn, nợ công đã ở mức cao và đang tăng nhanh. Chính sách tài khóa, tiền tệ vẫn phải tập trung cho những mục tiêu này.

Khuôn khổ pháp lý cho việc cơ cấu lại doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng cũng chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là vấn đề phá sản, quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tài chính. Ngoài ra, tâm lý người dân không ổn định dễ phản ứng thái quá nếu không được định hướng đúng đắn và tuyên truyền đầy đủ về các chủ trương, chính sách cơ cấu lại ngân hàng.

Tuy vậy, việc tái cấu trúc các tổ chức tín dụng cũng có những thuận lợi khi được đặt trong chương trình tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế (bao gồm cả tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp). Mục đích cơ cấu lại là vì lợi ích quốc gia, dân tộc chứ không vì lợi ích nhóm cục bộ nên nhận được sự quyết tâm và đồng thuận cao về mặt chính trị - xã hội.

Các ngân hàng cũng ý thức rõ ràng về sự cần thiết phải cơ cấu lại để hoạt động an toàn và hiệu quả hơn. Trong vài năm tới, Việt Nam không bị quá câu thúc bởi mục tiêu tăng trưởng kinh tế để tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, do đó áp lực tăng trưởng tín dụng có thể giảm bớt vừa để ổn định vĩ mô, vừa phục vụ tái cấu trúc. Do đó tôi tin rằng quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tuy có khó khăn, nhưng hoàn toàn thực hiện được.

- Vậy Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ triển khai những giải pháp như thế nào để hiện thực hóa mục tiêu nói trên?

- Giải pháp đầu tiên mà xã hội nhìn thấy rõ nhất thời gian qua chính là khuyến khích sáp nhập, hợp nhất, mua lại ngân hàng. Việc làm này được tiến hành theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền cũng như các bên liên quan. Đây cũng là cơ hội để các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh có thể tăng nhanh về quy mô cũng như khả năng cạnh tranh.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiến hành đánh giá, phân loại tổ chức tín dụng để có biện pháp xử lý phù hợp. Lành mạnh hóa tài chính của các ngân hàng thông qua xử lý nợ xấu, củng cố các ngành nghề kinh doanh chính, rút dần khỏi các lĩnh vực rủi ro, kém hiệu quả.

Các ngân hàng cũng sẽ tập trung vốn nhiều hơn cho các lĩnh vực ưu tiên, từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào tín dụng, tăng nguồn thu từ dịch vụ… Bên cạnh tái cơ cấu tài chính, để hệ thống ngân hàng phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả sau đó thì quan trọng hơn là phải đổi mới quản trị, hoạt động, tiến gần tới các tiêu chuẩn quốc tế.

- Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ đóng vai trò như thế nào trong quá trình này?

Vai trò rõ rệt nhất của cơ quan quản lý sẽ là tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật, bao gồm chuẩn mực an toàn, hệ thống kế toán cũng như những quy định cụ thể của nghiệp vụ ngân hàng (cấp phép, đóng cửa chi nhánh, phòng giao dịch…). Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tăng cường, đổi mới và nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng để kịp thời phát hiện những bất ổn, sai phạm.

Những việc làm nêu trên sẽ góp phần đảm bảo cho quá trình tái cơ cấu được tiến hành thuận lợi, an toàn, loại trừ nguy cơ đổ vỡ. Nếu được triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, đến năm 2015, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam sẽ được lành mạnh hóa một bước về tài chính cũng như hoạt động. Số lượng tổ chức tín dụng nhỏ, yếu kém sẽ giảm đi, thay vài đó là một số ngân hàng quy mô lớn hơn, có khả năng cạnh tranh và đặc biệt là tăng cường được vị trí chi phối của các ngân hàng thương mại Nhà nước trong toàn hệ thống.

- Những giải pháp được Thống đốc nêu lên khá hợp lý. Tuy nhiên, cải cách bao giờ cũng kèm theo chi phí kinh tế. Vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào?

- Trong quá trình cơ cấu, đặc biệt là xử lý những tổ chức tín dụng yếu kém, ngân hàng thương mại Nhà nước và các ngân hàng cổ phần lành mạnh sẽ là lực lượng chủ lực, bên cạnh sự hỗ trợ thích hợp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Sự hỗ trợ này bao gồm cả cơ chế, chính sách cũng như nguồn lực.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước “bao cấp” toàn bộ cho tái cơ cấu. Tổn thất và chi phí trong quá trình xử lý yếu kém cần được đảm bảo ở mức thấp nhất và được chia sẻ hợp lý giữa các bên (Nhà nước, chủ sở hữu, nhà đầu tư và người gửi tiền) theo quy định của pháp luật. Trong đó, chủ sở hữu ngân hàng phải chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng về những tổn thất xảy ra. Lợi ích của Nhà nước, tài sản của nhân dân do đó, sẽ phải được bảo vệ tốt nhất.

- Với tất cả những ý tưởng nêu trên, Thông đốc cho rằng đâu là yếu tố quan trọng nhất, quyết định thành công của quá trình tái cơ cấu ngân hàng?

- Trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam, yếu tố then chốt quyết định đến kết quả tái cơ cấu ngân hàng là lựa chọn khôn ngoan các giải pháp triển khai, huy động được sự tham gia của khu vực tư nhân và duy trì được lòng tin của nhân dân. Tất nhiên phải bảo đảm vai trò chủ đạo, kiểm soát của Chính phủ trong toàn bộ tiến trình cơ cấu.

Theo Nhật Minh
VnExpress

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,849

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079