Chính sách mới >> Tài chính 13/12/2011 10:44 AM

Để không còn chỗ cho lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng

13/12/2011 10:44 AM

Mở rộng, đa dạng hơn nữa đối tượng sở hữu tại các NH, không để một nhóm nhỏ cổ đông chi phối hệ thống ngân hàng thông qua hình thức sở hữu chéo kém minh bạch. Đó là quan điểm chỉ đạo của Chính phủ.

Cần sự tự nguyện

“Chúng tôi đồng tình với quan điểm không phân biệt quy mô ngân hàng, quan trọng nhất là ngân hàng đang tồn tại phải hoạt động an toàn, lành mạnh và có hiệu quả”. Bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nêu quan điểm của mình tại một cuộc hội thảo về tái cấu trúc ngân hàng, công ty bảo hiểm do Bộ Tài chính và Học viện Tài chính tổ chức hôm 30-11, một ngày sau khi Bộ trưởng Vũ Đức Đam nêu rõ hơn quan điểm về tái cấu trúc ngân hàng của Chính phủ.

Bà Mùi nhắc lại ở Việt Nam cũng đã diễn ra quá trình sắp xếp, sáp nhập (M&A) một số ngân hàng trong giai đoạn 1997-2000. Mười bảy ngân hàng cổ phần đã được xử lý bằng cách sáp nhập hoặc đóng cửa. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sử dụng 1.500 tỉ đồng để đóng cửa một số ngân hàng và tái cấp vốn cho các ngân hàng thực hiện tái cơ cấu.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngân hàng, các vụ M&A ngân hàng trước năm 2004 diễn ra trong tình trạng bắt buộc để khắc phục hiệu quả kinh doanh yếu kém chứ chưa hẳn dựa trên tinh thần tự nguyện với một chiến lược cụ thể để tạo ra những ngân hàng vững mạnh hơn.

Ngay cả làn sóng M&A trong giai đoạn 2005-2009 giữa các ngân hàng trong nước với nhau và ngân hàng trong nước với ngân hàng nước ngoài cũng chỉ diễn ra ở một nhóm các ngân hàng có tiềm lực mạnh. Nhưng đó cũng chỉ là nhu cầu của một nhóm ngân hàng với những lợi ích cụ thể của các cổ đông lớn chứ cả hệ thống ngân hàng nói chung chưa đạt đến mục tiêu lành mạnh hóa như cái đích cần có.

Các chuyên gia ngân hàng đều đồng thuận rằng, cần nêu cao tinh thần tự nguyện của các ngân hàng trong đợt tái cấu trúc mới, trên cơ sở giá trị thị trường giữa các ngân hàng với nhau. “Chỉ những trường hợp cấp bách Nhà nước mới thực hiện phương pháp “bắc cầu” hoặc mua lại nhưng cũng phải tuân thủ phương pháp định giá thị trường, thậm chí là đấu thầu rộng rãi, quyết không để hiện tượng “đi đêm” để Nhà nước phải trả giá đắt cho những thương vụ M&A được dàn xếp một cách có chủ ý từ những nhóm lợi ích đằng sau các ngân hàng yếu kém”, PSG.TS. Nguyễn Văn Hiệu (trường Đào tạo và Phát triển nhân lực Vietinbank) nhấn mạnh.

Làm rõ các “sân sau”

Bà Nguyễn Thị Mùi nhắc đến động thái của một số ngân hàng lớn trong thời gian gần đây cần phải được lưu ý trong quá trình M&A. Đó là việc một số ngân hàng thương mại (NHTM) lớn hỗ trợ vốn cho một số NHTM nhỏ có năng lực tài chính hạn chế và luôn thiếu thanh khoản. Theo bà Mùi, cơ quan quản lý cần lưu ý động thái này “để tránh một số NHTM có quy mô lớn tham gia quá nhiều vào việc hỗ trợ vốn vì điều này không thể giải quyết đến tận gốc vấn đề yếu kém của ngân hàng nhỏ nhưng lại dễ làm suy yếu thêm sức mạnh tài chính của tổ chức hỗ trợ và tiếp tục gây bất ổn cho cả hệ thống ở giai đoạn sau”.

Một chuyên gia khác thì cho rằng, nếu NHNN không kiểm soát chặt hình thức này thì ở bề nổi là hỗ trợ thanh khoản một cách hợp pháp giữa các ngân hàng với nhau nhưng ở phần chìm có thể là sự “thôn tính” từng bước. Không khéo sẽ bị lái theo những ý đồ cá nhân hoặc bị tác động bởi lợi ích nhóm, tăng sở hữu chéo hay tăng sở hữu hạn chế của một nhóm nhỏ cổ đông hoặc nhóm nhỏ các ngân hàng khiến cho quá trình tái cấu trúc ngân hàng ít có cơ hội thành công.

Còn theo thống kê của một chuyên gia M&A, tình trạng sở hữu chéo hiện nay trong hệ thống ngân hàng Việt Nam là khá phức tạp. Ví dụ một cổ đông sáng lập của một ngân hàng đồng thời là cổ đông chính của các ngân hàng khác.

Vấn đề đặt ra là các cơ quan quản lý có giải quyết được những vấn đề của hệ thống ngân hàng sau tái cấu trúc? Câu trả lời chắc chắn là không dễ. Một chuyên gia của NHNN (đề nghị không nêu tên) lấy ví dụ khi sáp nhập ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao vào ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trung bình thì tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mới có thay đổi nhưng quy mô nợ xấu vẫn không thay đổi, thậm chí còn làm cho ngân hàng mới không quan tâm thực sự đến việc giải quyết nợ xấu. Nói khác đi là hình thức này có thể giúp nhóm cổ đông của ngân hàng nhỏ trước đây “kê cao gối ngủ”.

Do vậy, bà Mùi đề xuất không chỉ cần tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém mà ngay cả các ngân hàng không bị xếp vào nhóm này cũng cần phải tái cấu trúc quản trị nội bộ, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế. NHNN cần rà soát lại hoạt động ở các ngân hàng để làm rõ mọi hoài nghi về các “sân sau” của nó cũng như việc có hay không các nhóm lợi ích đứng sau lũng đoạn hoạt động của một số ngân hàng.
 
Theo Ngọc Lan
TBKTSG

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,137

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079