>> Cấm ngân hàng nhóm IV tăng trưởng tín dụng
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói: Ngân hàng Nhà nước đã chia nhóm ngân hàng, đó là một bước công khai minh bạch hơn, làm rõ các ngân hàng nào được tăng trưởng tín dụng và những ngân hàng nào không được tăng trưởng tín dụng.
Đặc biệt nhóm ngân hàng được cho là yếu kém, không được tăng trưởng tín dụng thì chắc chắn là không có lời hoặc có lời hạn chế, vì vậy nhu cầu huy động vốn cũng sẽ giảm đi. Bằng cách đó sẽ hạn chế cuộc đua lãi suất. Tôi nghĩ đây là biện pháp rất đáng chú ý, nó sẽ gây sức ép để dẫn đến tái cơ cấu và sáp nhập.
Sau khi phân nhóm, có nên xem xét lại sau định kỳ hằng quý, hay 6 tháng… để thay đổi vị trí (nhóm) cho các ngân hàng?
Đương nhiên, việc phân nhóm không phải là “kết án chung thân”. Nên có sự điều chỉnh, nếu người ta tốt hơn thì phải nới ra cho người ta. Việc điều chỉnh đó, theo tôi làm từng quý là hợp lý và tôi tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ làm điều ấy.
Việc phân nhóm ngân hàng còn có yếu tố tích cực nào nữa, thưa ông?
Ngân hàng nào bị xếp vào nhóm 4 thì phải tìm mọi cách để vượt lên các nhóm trên, nhóm 3 thì muốn vượt lên nhóm 2, nhóm 2 vượt lên nhóm 1 và đã nhóm 1 rồi thì muốn phấn đấu đứng vững ở vị trí đó, thậm chí còn tốt hơn nữa.
Tôi nghĩ đó là cách thức hợp lý, có ý nghĩa để hỗ trợ việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Nhưng để làm được việc đó, thứ nhất cần phải có sự đánh giá, thứ hai phải có tiêu chí về công khai minh bạch, thứ ba là xác định rõ tái cấu trúc rồi thì các ngân hàng thương mại cần đáp ứng những tiêu chí gì, phải công khai minh bạch.
Cũng dễ hiểu là vì sao hiện Ngân hàng Nhà nước không công bố các ngân hàng nhóm 4, bởi có thể gây xáo động và gây tâm lý không ổn định. Thế nhưng đến mức độ nào đấy thì cần phải công khai minh bạch để người ta biết. Nếu không công bố thì không giúp ích gì cho việc giải quyết các ngân hàng yếu kém theo yêu cầu đề ra trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Cho nên, theo tôi công khai minh bạch là một trong những điều rất quan trọng và công khai càng nhanh càng tốt.
Ông có nghĩ khi công bố những ngân hàng nhóm 4 thì sẽ gây xáo động thị trường tiền tệ?
Xáo động là dễ hiểu. Người ta sẽ chạy trốn các ngân hàng đó, và các ngân hàng đó phải nhanh chóng có biện pháp sáp nhập hoặc tái cấu trúc. Nếu không sẽ không tồn tại được. Nên công bố công khai một số tiêu chí tối thiểu của các ngân hàng và công bố số ngân hàng trong nhóm 1 và nhóm 2, thậm chí nhóm 3 cũng có thể công bố. Điều đó chỉ có thể tốt thôi. Ngân hàng nhóm 4, lúc đó không cần công bố người ta cũng biết.
Ông nói Ngân hàng Nhà nước đảm bảo các ngân hàng thương mại không phá sản. Điều đó có trái quy luật và có tốt cho nền kinh tế không?
Theo tôi không nên tránh né phá sản. Nếu thấy đáng phá sản thì để phá sản đi, lúc bấy giờ sẽ có sáp nhập và mua lại.
Theo Đại Dương
Tiền phong