Đó là hai vấn đề được đưa ra tại hội thảo khoa học đa dạng hóa nguồn lực cải cách tiền lương cán bộ công chức, viên chức giai đoạn 2011- 2020 do Viện chiến lược và chính sách tài chính tổ chức sáng nay 10.2 tại Hà Nội.
Ông Vũ Nhữ Thăng, viện trưởng Viện chiến lược và chính sách tài chính cho biết, từ năm 2001 đến nay có 8 lần tiền lương tối thiểu được điều chỉnh.
Riêng 4 năm qua, mức lương tối thiểu đã điều chỉnh tăng thêm 84,4% nhưng cán bộ công chức làm việc ở thành phố lớn, khu đô thị lại không đủ sống với mức lương hiện nay.
Bất cập nhất là hệ thống thang, bảng lương không gắn được việc trả lương với vị trí công việc và kết quả thực hiện nhiệm vụ bởi quy định cứng nhắc: có bằng đại học là hưởng lương chuyên viên, định kỳ 2-3 năm tăng lương một lần; cơ chế trả lương còn nhiều yếu tố phi thị trường, người làm ít vẫn nhận lương cơ bản như người làm nhiều, nhiều tuổi nhận lương cao hơn người ít tuổi.
Ngoài ra, 21 ngành được hưởng ở 16 loại phụ cấp ưu đãi khác nhau đang có xu hướng mở rộng hơn khiến cho ngân sách dành cho lương tối thiểu ngày càng bị mỏng đi.
TS Nguyễn Hải Mơ, phó viện trưởng Viện chiến lược và chính sách tài chính thì khẳng định: đang có hai hệ thống tiền lương tối thiểu song song tồn tại: hệ thống chính sách tiền lương tối thiểu một mức duy nhất áp dụng đối với các đối tượng hưởng lương từ ngân sách, và hệ thống tiền lương tối thiểu phân biệt theo vùng áp dụng cho khu vực sản xuất kinh doanh.
Đây là điểm khác biệt căn bản so với nhiều nước trên thế giới. “Chúng ta dùng nhiều tiền nhưng không thay đổi được và rất lãng phí. Nguyên nhân bởi đang lẫn lộn, bùng nhùng giữa các khoản lương trợ cấp”, ông Mơ nói.
Đa phần chuyên gia cho rằng, để ngân sách Nhà nước chi lương hợp lý và có nguồn cải cách tiền lương thì cần tinh giản biên chế là giải pháp khả thi nhất.
Theo Đuc Hiep
SGTT