Có sống được bằng lương nhà nước?

16/12/2011 11:02 AM

(Đất Việt) Sau loạt bài Nghịch lý lương nhà nước, nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc đã đặt ra câu hỏi: “Có sống được bằng lương nhà nước?”, với kỳ vọng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sắp tới sẽ khắc phục được những bất hợp lý này.

Nên quy định thêm lương tối thiểu theo giờ - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai:

Khi sửa đổi Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần tiếp thu và bổ sung thêm một số vấn đề như: Bổ sung các quy định nhằm hỗ trợ người lao động, đại diện người lao động trong quá trình thương lượng, thỏa thuận về tiền lương thông qua việc định kỳ công bố các thông tin về thị trường lao động, mức tiền lương bình quân thực tế theo khu vực, ngành, nghề. Trong đó, cần cụ thể vai trò của CĐ trong việc hỗ trợ cho tập thể người lao động đối thoại, thương lượng về tiền lương.

Quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu theo giờ để đáp ứng với sự linh hoạt của thị trường lao động, nhất là đối với loại hình lao động không trọn thời gian. Lương tối thiểu theo giờ được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu tháng và bao gồm đầy đủ các chi phí mà người sử dụng lao động phải chi trả cho người lao động làm việc theo tháng (kể cả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động, tiền lương nghỉ phép, tiền lương nghỉ lễ…).

Về các yếu tố làm cơ sở để công bố mức tiền lương tối thiểu, ngoài các yếu tố đã quy định trong dự án luật (nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế xã hội, mức tiền công trên thị trường lao động), cần bổ sung các yếu tố như: năng suất lao động, khả năng tăng trưởng kinh tế, các khoản trợ cấp an sinh các xã hội và tương quan mức sống với các nhóm dân cư khác.

Lương tối thiểu phải đảm bảo tái sản xuất sức lao động
- TS Nguyễn Linh Khiếu (Tạp chí Cộng sản):

Quy định về tiền lương tối thiểu với mong muốn bảo đảm tốt hơn cuộc sống cho người lao động, nhưng thực tế khi thi hành cho thấy rất bất cập và luôn gay bất lợi cho người lao động, không phản ánh được quan điểm về giá cả sức lao động trong nền kinh tế thị trường. Thậm chí việc hướng dẫn thi hành đã dẫn đến quy định lương tối thiểu vùng không hợp lý, người sử dụng lao động lợi dụng mức chi trả tiền lương rất thấp, làm méo mó về tiền lương.

Quy định về tiền lương tối thiểu và thang bảng lương trong dự án luật không đủ sức nặng để các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc xây dựng thang lương, bảng lương. Nhiều doanh nghiệp không xây dựng thang lương, bảng lương, trả lương cho người lao động tùy tiện. Tiền lương người lao động mới tuyển dụng và người lao động lâu năm, lương của lao động có đào tạo và không qua đào tạo tương đương nhau, thiếu công bằng.

Cần quy định chặt chẽ hơn, quy định rõ hơn các căn cứ về tiền lương, mức tiền lương tối thiểu. Mức lương tối thiểu phải là mức lương để cho người lao động có thể tái sản xuất sức lao động và có tích lũy, thể hiện được mức sống trung bình của xã hội trong từng thời kỳ. Mặt khác, cũng không nên đặt nặng vấn đề thu hút đầu tư mà giảm nhẹ đảm bảo yêu cầu đời sống lao động và ngày càng nâng cao mức thu nhập cho người lao động. Cần bổ sung căn cứ để xác định mức lương tối thiểu phải bao gồm cả chỉ số giá sinh hoạt, như vậy căn cứ để xác định mức lương tối thiểu bao gồm 4 yếu tố: Nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình; điều kiện kinh tế, xã hội; mức tiền công trên thị trường lao động; chỉ số giá tiêu dùng. 

HĐQT không hưởng lương từ DN: Quá đúng! - Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó chủ tịch CLB Doanh nghiệp VN:

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân đề xuất: đi kèm với việc DNNN tự chủ trong xác định chi trả tiền lương cho lao động, là việc tách quỹ lương của chủ tịch, tổng giám đốc, giám đốc và thành viên chuyên trách.

Theo tôi, đây là đề xuất chính xác, không có lý do gì, trong khi lương của người lao động vẫn thấp, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao, thậm chí thua lỗ mà lương lãnh đạo cấp cao vẫn cao. Điển hình như trường hợp tại Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước đã từng bị Kiểm toán Nhà nước tuýt còi năm trước. 

Tiền lương nên xác định theo từng chức danh, gắn với bảo toàn và phát triển vốn, tỷ suất lợi nhuận/vốn và dựa trên mức lương cơ bản do Nhà nước quy định có tính đến tương quan thị trường, doanh ngiệp kinh doanh hiệu quả thì Ban điều hành được tăng thêm tiền lương. Tiền lương của thành viên HĐQT, hội đồng thành viên, kiểm soát viên, không hưởng lương từ DN, mà lấy từ lợi nhuận hoặc từ quỹ quản lý DNNN.

Kết quả khảo sát lương năm 2011 do Mercer (Mỹ) - một trong những công ty hàng đầu thế giới chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn nhân sự và đại diện tại Việt Nam, TalentNet Corporation, công bố mới đây cho thấy: Nếu như những năm trước, các doanh nghiệp nước ngoài vì vấn đề cạnh tranh và thu hút người tài luôn có mức tăng lương tương ứng với tỉ lệ lạm phát thì năm nay tỉ lệ tăng lương bình quân chỉ là 0,8% so với năm 2010, thấp hơn 6,7% so với tỉ lệ lạm phát dự kiến. Như vậy, lương cho người lao động vốn đã không cao, nay lại tăng thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ lạm phát khiến đời sống công nhân khó khăn hơn nhiều.

 

ĐV

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,828

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079