Đề nghị được chọn thời gian nghỉ thai sản

16/12/2011 10:48 AM

TT - Thảo luận về dự án Bộ luật lao động (sửa đổi), đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với quan điểm của Ủy ban Các vấn đề xã hội là nên giữ nguyên quy định hiện hành về thời gian làm thêm không quá 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm 300 giờ/năm.

Làm thêm giờ vào ban đêm trong ngày thường được trả lương ít nhất 200% (hiện tại là 180%) so với bình thường, làm thêm giờ ban đêm vào ngày nghỉ hằng tuần hưởng lương 250% và làm thêm ban đêm ngày nghỉ lễ là 300%.

Nhiều ý kiến đề nghị dự luật quy định quyền nghỉ thai sản của phụ nữ là sáu tháng, tùy điều kiện mà phụ nữ có quyền chọn thời gian nghỉ ít hơn (trong khoảng 4-6 tháng). Tuổi nghỉ hưu cũng được thống nhất quy định như hiện hành là 60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ, các nhóm đối tượng đặc biệt được kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ do Chính phủ quy định.

* Trong cuộc họp ngày 15-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu tạm dừng thành lập mới đối với khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu do thời gian qua phát triển èo uột lại kém hiệu quả.

Đồng thời phải xem xét quy hoạch cửa khẩu biên giới đất liền, tránh mở, nâng cấp cửa khẩu tràn lan như hiện nay.

Trước tình trạng phát triển èo uột, kém hiệu quả và tràn lan của nhiều khu kinh tế (KKT), KKT cửa khẩu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu tạm dừng thành lập mới đối với mô hình này, tiến hành tổng kết, đánh giá các KKT, KKT cửa khẩu. Đây là kết quả phiên họp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các KKT, KKT cửa khẩu chiều 15-12.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ sớm tổng kết, đánh giá toàn diện sự phát triển của KKT, KKT cửa khẩu thời gian qua để đưa ra các chính sách phù hợp và biện pháp đủ mạnh. Xem xét quy hoạch cụ thể cửa khẩu biên giới đất liền để tránh mở, nâng cấp cửa khẩu tràn lan như hiện nay.

Theo báo cáo của đoàn giám sát, đến nay cả nước có 18 KKT được quy hoạch, trong đó có 15 khu đã được thành lập, thu hút tổng vốn đầu tư khoảng 25 tỉ USD và 540.000 tỉ đồng. Dự kiến năm 2011, các KKT đạt tổng doanh thu khoảng 8 tỉ USD, xuất khẩu gần 800 triệu USD. Tổng số KKT cửa khẩu cả nước là 28, đến nay thu hút khoảng 70 dự án FDI với tổng mức đầu tư 700 triệu USD và 500 dự án trong nước với 40.000 tỉ đồng.

Với các con số như trên, nhiều ý kiến nhận xét là chưa thấy được hiệu quả của các KKT, KKT cửa khẩu. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định: “Chỉ thấy một vài KKT phát triển hiệu quả như Dung Quất hay Chu Lai. Đầu tư như vậy mà doanh thu chỉ 8 tỉ USD, thu ngân sách khoảng 1 tỉ USD, giải quyết chỉ được 30.000 lao động thì có thể khẳng định hiệu quả rất hạn chế”.

* Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật giá. Theo dự thảo mới nhất, danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được quy định cụ thể vào luật, với nhiều mặt hàng quan trọng như xăng dầu thành phẩm, ximăng, thép xây dựng, phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật, sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thóc, gạo tẻ thường, cước vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng... Các mặt hàng khác như điện, dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, nước sạch cho sinh hoạt, dịch vụ khám chữa bệnh... thuộc danh mục Nhà nước định giá.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu và Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng lập quỹ bình ổn với một, hai mặt hàng thì còn khả thi, chứ với chừng ấy mặt hàng thuộc danh mục, trong đó có những mặt hàng mang tính đại trà thì khó mà lập quỹ bình ổn giá.

LÊ KIÊN

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,264

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079