Khi câu chuyện vượt trần lãi suất huy động 14%/năm tái diễn và râm ran trong giới ngân hàng vào dịp cận Tết nguyên đán, thì các ngân hàng quy mô lớn vẫn đang tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của NHNN trên toàn hệ thống. Theo ghi nhận ban đầu không hề có sự dịch chuyển của khách hàng gửi tiền về những ngân hàng có lãi suất cao như đã từng xảy ra vào đầu năm 2011.
Các ngân hàng lớn đang nắm giữ “lợi thế” là không thuộc diện hợp nhất, sáp nhập trong kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng đang triển khai, và dường như lợi thế đó khiến khách hàng yên tâm hơn trong sự lựa chọn gửi tiền tiết kiệm của mình.
Dịch vụ quan trọng hơn lãi suất
Chị Thủy, một chủ cửa hàng trên phố Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trước đây gia đình chị áp dụng chính sách “không bỏ trứng vào một giỏ”, tiền tiết kiệm được chia ra làm nhiều sổ gửi tại nhiều ngân hàng. Có đến hàng chục phòng giao dịch các ngân hàng trên con phố này, sự lựa chọn của chị Thủy theo nguyên tắc những ngân hàng có lãi suất cao nhất và có nhiều khuyến mãi hấp dẫn nhất. “Ngoài ý nghĩa phân tán tiền gửi thì làm cách này cũng vui vui, hầu như tháng nào cũng có quà tặng nho nhỏ, thỉnh thoảng lại được phiếu quay thưởng”, chị Thủy nói. “Tuy nhiên, vừa rồi thấy nói một số ngân hàng nhỏ mất thanh khoản tạm thời phải hợp nhất, mình cũng giật mình”. “Giờ mình cũng không đắn đo nhiều về lãi suất như trước, giao dịch tại ngân hàng lớn an tâm hơn, thêm nữa các chương trình khuyến mại, lì xì tết cũng không hề kém các ngân hàng nhỏ”, chị Thủy cho biết.
Trước câu hỏi về sự lựa chọn ngân hàng phục vụ, anh Thành, một cán bộ văn phòng tại Hà Nội cho biết, công ty của anh đã trả lương qua tài khoản tại một ngân hàng quy mô khá lớn có trụ sở tại phố Bà Triệu được hơn 4 năm rồi. Hầu hết nhân viên toàn công ty sử dụng “full service” tại ngân hàng này.
“Tiền lương tiêu không hết thì chuyển sang tiết kiệm online lãi suất cao, giao dịch qua internet không phải đến ngân hàng, ai cũng được ngân hàng cấp một thẻ tín dụng Visa, chuyển tiền trả tiền nhau, nạp tiền điện thoại… cũng qua dịch vụ online của ngân hàng”, anh Thành nói.
“Anh em trong công ty hầu hết còn trẻ, tiền tiết kiệm không có nhiều nên mình thực sự không quan tâm lắm tới chênh lệch lãi suất 1-2%/năm. Ngân hàng phục vụ quy mô lớn, thấy nói trong top G12 nên gửi tiền cũng an toàn. Nhưng quan trọng hơn là sử dụng dịch vụ mình thấy tiện, gửi tiền chuyển tiền hay thanh toán hóa đơn đều qua internet, rút tiền tiêu thì qua ATM, cả năm chả phải đến ngân hàng, phù hợp với nhịp độ công việc khá bận rộn của mọi người”.
Cơ hội cho các ngân hàng lớn?
Theo kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, sau việc hợp nhất của SCB, TinNghiaBank và Ficombank vừa qua, tiếp tục sẽ có từ 5-8 ngân hàng nhỏ sẽ sáp nhập, hợp nhất trong quý I/2012.
Về mặt nguyên tắc, người gửi tiền sẽ được đảm bảo quyền lợi, nhưng về tâm lý nói chung thì người gửi tiền cũng như sử dụng các dịch vụ ngân hàng khác đều muốn giao dịch thuận lợi, không bị ngắt quãng hay gián đoạn vì lý do khác. Nên chắc chắn sẽ có một bộ phận khách hàng sẽ thay đổi ngân hàng phục vụ.
Theo bà Nguyễn Thu Hà, nếu có sự lựa chọn thì ngân hàng lớn có nhiều ưu thế hơn. Lý do ngoài quy mô lớn đồng nghĩa với khả năng an toàn cao trong khó khăn thì mạng lưới phục vụ, hệ thống ATM cũng rộng rãi hơn giúp khách hàng giao dịch thuận tiện. Ngoài ra, hệ thống công nghệ được đầu tư ổn định cho phép khách hàng sử dụng được những dịch vụ chuyên biệt, hiện đại hơn như thẻ thanh toán, internet banking,…
Theo Giám đốc Khối nguồn vốn NHTM, xét về yếu tố cạnh tranh, các ngân hàng có chất lượng dịch vụ tốt sẽ có ưu thế thu hút khách hàng dài hạn. Điều đó có nghĩa các ngân hàng nhỏ có thái độ phục vụ, chất lượng dịch vụ tốt đều có cơ hội phát triển chứ không chỉ ngân hàng lớn.
“Khái niệm lớn và nhỏ khác với khái niệm mạnh và yếu”, vị Giám đốc này cho biết. “Tuy nhiên tại Việt Nam, do hệ thống ngân hàng còn non trẻ nên phần lớn các ngân hàng lớn có chất lượng dịch vụ đa dạng, thỏa mãn khách hàng tốt hơn nên tâm lý khách hàng đánh đồng khái niệm lớn tức là mạnh, nhỏ tức là yếu cũng là dễ hiểu”.
Theo kinh nghiệm của giai đoạn tái cơ cấu các ngân hàng cổ phần 1998-2001, thì sau lần tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện nay, hệ thống các ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh hơn. Những ngân hàng lớn có dịch vụ tốt sẽ có nhiều cơ hội bứt phá hơn và được khách hàng chọn lựa nhiều hơn.
Theo TTVN