Quy mô hay hiệu quả?
Dù khẩu hiệu chú trọng hiệu quả vẫn được đưa ra, nhưng thực tế, trong cạnh tranh, các doanh nghiệp vẫn có các chiêu bài riêng để tăng doanh thu, mở rộng quy mô. Bởi để tối đa hóa lợi nhuận, trong một số trường hợp, doanh nghiệp phải chấp nhận mất thị phần, doanh thu giảm, do phải hy sinh khách hàng xấu, thắt chặt điều khoản, tăng phí… Hiện tại, hầu như tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều đang loay hoay “đi trên cả 2 chân”.
Thị trường bảo hiểm từ năm 2005 đã trải qua giai đoạn phát triển nóng, số lượng các doanh nghiệp bảo hiểm gia nhập thị trường tăng nhanh qua các năm, trong khi dung lượng thị trường thay đổi chậm. Kết quả của giai đoạn tăng trưởng nóng này, nhiều doanh nghiệp đang gánh chịu tỷ lệ bồi thường cao tới mức báo động, không kiểm soát được bồi thường phát sinh. Hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn thấp, thể hiện ở tỷ suất sinh lời thấp, khả năng thanh toán khá hạn chế…
Hội nghị Ban Chấp hành định kỳ lần III, nhiệm kỳ 2010 - 2015 của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam được tổ chức cuối năm 2011 cũng nhìn nhận, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng 22% nhưng nợ đọng phí bảo hiểm nhiều, số hồ sơ bồi thường còn tồn đọng nhiều cần khẩn trương giải quyết, chi phí khai thác và quản lý còn cao...
Ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Bảo hiểm BIDV (BIC) cho rằng, ngoài hệ thống ngân hàng, chứng khoán, ngành bảo hiểm cũng cần phải thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ để xây dựng thị trường bảo hiểm minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, công bằng theo hướng chuẩn hóa các quy định về quản trị, tiêu chuẩn an toàn tài chính, quản lý rủi ro. Bộ Tài chính cần có các quy định, tiêu chuẩn về an toàn tài chính rõ ràng và cao hơn để thị trường, khách hàng có thể tự khám “sức khỏe” các công ty bảo hiểm, sàng lọc các công ty yếu kém.
Thay chiếc áo chật
Với sự chuẩn bị chắc chắn về vốn, nhân lực, đối tác nước ngoài, từ tháng 8/2011, Tổng CTCP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) đã tái cấu trúc thành công theo hướng trở thành định chế tài chính bảo hiểm với mô hình công ty mẹ - con để nâng cao năng lực cạnh tranh và sẵn sàng bước vào cuộc chơi toàn cầu của thị trường bảo hiểm. Thực tế, như lời lãnh đạo PVI từng chia sẻ, khi PVI đã phát triển lớn mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân 37%/năm, hoạt động của doanh nghiệp như chiếc áo đã quá chật nên phải tái cấu trúc, thay bằng chiếc áo phù hợp hơn.
BIC non trẻ nhưng cũng đã nhanh chóng chuyển đổi mô hình hoạt động sang tổng CTCP. Năm 2012 sẽ là năm đầu tiên BIC triển khai tái cấu trúc toàn diện. Ngoài việc tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ đã có, BIC sẽ xem xét đầu tư mở rộng các lĩnh vực liên quan để tăng khả năng cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Trước đó, CTCP Bảo hiểm Quân đội cũng chuyển đổi thành Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) với 19 công ty thành viên trực thuộc và một công ty đầu tư hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính…
Bảo Minh cũng đã có nhiều thay đổi lớn, quyết “giảm cân để sống khỏe” với ưu tiên chiến lược trong năm 2011 là giảm tỷ lệ bồi thường.
Nhìn lại quá trình tái cấu trúc của các doanh nghiệp bảo hiểm, ông Phạm Quang Tùng cho rằng, dù chỉ mới cải tổ từng phần, nhưng ít nhiều điều này cũng đã giúp thị trường có sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, để thị trường bảo hiểm phát triển mạnh và chắc thì vẫn cần một động lực mạnh mẽ từ nhiều phía cho một quá trình tái cấu trúc trên phương diện toàn thị trường.
Mở đường thoát hiểm
Không hẹn mà gặp với doanh nghiệp cuối năm 2011, một lộ trình tái cấu trúc ngành bảo hiểm đã được Bộ Tài chính đề cập đến. Theo đó, một đề án chi tiết trên cơ sở đánh giá kỹ thực trạng và rà soát các quy định pháp luật liên quan đến quá trình tái cấu trúc sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Năm 2012 và 2013 sẽ là năm tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm. Việc phân loại doanh nghiệp bảo hiểm và áp dụng các biện pháp quản lý, giám sát cũng được đưa ra rất rõ ràng. Các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán sẽ bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt và áp dụng các giải pháp theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm. Nếu không khắc phục được sẽ thực hiện sáp nhập, phá sản. Các doanh nghiệp có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán sẽ được cơ cấu lại đầu tư, xử lý nợ phù hợp hoạt động, cải cách quản trị điều hành và chuyển giao hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp khác…
Theo ông Phạm Quang Tùng, để tạo “đường thoát” cho các công ty bảo hiểm yếu kém và gây dựng một số công ty bảo hiểm lớn có khả năng cạnh tranh trong khu vực, cần ban hành các quy định mở đường cho việc hợp nhất, sáp nhập các công ty bảo hiểm. Hiện nay, ngoài 3 lĩnh vực hàng không, vệ tinh, dầu khí phải có điều kiện về vốn (các công ty bảo hiểm phải tăng vốn thêm 100 tỷ đồng cho mỗi lĩnh vực), các công ty bảo hiểm được thành lập chỉ cần đủ vốn pháp định (đối với phi nhân thọ là 300 tỷ đồng) là có thể thoải mái cấp bảo hiểm cho các dịch vụ lớn, đặc thù khác. Điều này là không an toàn vì doanh nghiệp bảo hiểm có thể thiếu kinh nghiệm, năng lực nghiệp vụ.
Để các công ty bảo hiểm tập trung cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, Bộ Tài chính nên quy định mức phí chuẩn trên cơ sở phân tích số liệu rủi ro lịch sử của những sản phẩm bảo hiểm phổ thông.
“Cũng cần phải quy định cụ thể các nguyên tắc quản trị công ty bảo hiểm, tiến dần theo theo lệ quốc tế; trong đó, việc yêu cầu tách bạch các hoạt động cốt lõi cần phải làm sớm, tránh việc một cán bộ kinh doanh vừa tư vấn bán hàng, vừa đánh giá chấp nhận rủi ro, vừa xử lý bồi thường”, ông Tùng nói.
Theo Ngọc Lan
ĐTCK