Chia để trị
Sau nhiều chờ đợi và những thông tin mang tính loan báo, NHNN vừa chính thức đưa ra giới hạn tăng trưởng trưởng tín dụng cả năm cho từng phân nhóm TCTD với mức tăng trưởng cao nhất 17% cho nhóm đầu và mức thấp nhất 0% ở nhóm cuối, đồng nghĩa không được tăng trưởng tín dụng trong suốt cả năm 2012.
Giải thích cho con số giới hạn 0% của cho nhóm thứ tư, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, khoảng “mươi” ngân hàng trong nhóm này đang lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, có nguy cơ đổ vỡ và đang trong quá trình tái cơ cấu. Chính vì vậy, các ngân hàng trong nhóm này cần tập trung vào các hoạt động như cơ cấu lại các khoản nợ, thu hồi nợ cũ và chỉ cho vay những khoản nợ mới có hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn hoạt động.
Động thái phân chia trên đây nhận được nhiều ủng hộ bởi thực tế, việc phân loại chất lượng ngân hàng và áp trần tăng trưởng theo từng nhóm từng được đề nghị áp dụng từ lâu khi mà chỉ tiêu tăng trưởng 20% vẫn được áp chung cho tất cả, không phân biệt quy mô hay chất lượng ngân hàng.
Song vào thời điểm hiện nay, việc phân chia này còn được nhiều tổ chức đầu tư nhìn nhận như một bước đi nằm trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Nó mang đến tác động lớn đối với từng nhóm ngân hàng. Với các ngân hàng thuộc nhóm 4 không được phép tăng trưởng tín dụng trong năm nay, giải quyết vấn đề thanh khoản sẽ là yêu cầu trọng tâm. Nhóm này theo đó sẽ gặp nhiều bất lợi như khó đảm bảo khả năng tăng trưởng lợi nhuận, chưa kể đến việc xử lý các khoản nợ xấu tồn đọng từ các năm trước.
“Đây là sức ép khá lớn để các ngân hàng này phải thực hiện hợp nhất, sáp nhập hoặc chấp nhận thu hẹp hoạt động, phá sản một cách từ từ” – nhóm chuyên gia của Cty Chứng khoán Bảo Việt đưa nhận định trong báo cáo bất thường ngay sau thông báo của NHNN. Còn đối với các ngân hàng thuộc nhóm đầu (tăng trưởng 15-17%), khả năng lợi nhuận năm vẫn được đảm bảo, song cũng không tránh được các khó khăn khi mà trần tăng trưởng tín dụng trong năm nay được kéo xuống còn 17% thay vì 20% như trong năm 2011.
Chặn nguồn cơn lãi cao
Ở một khía cạnh khác, việc cấm một số nhà băng thuộc nhóm yếu tăng trưởng tín dụng về sâu xa còn nhằm ngăn ngừa nguy cơ bùng nổ các cuộc đua tranh lãi suất. Chuyên gia kinh tế Đoàn Thị Thu Hoài của Cty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa quan điểm, nỗ lực trên đây của NHNN có thể phần nào giúp giảm lãi suất trong tương lai, khi các ngân hàng nhỏ không có động cơ huy động nhiều khi không thể cho vay.
Nhận định này được đưa ra dựa trên nhiều quan điểm đến nay vẫn đồng thuận khi cho rằng, tình trạng chạy đua lãi suất (thời gian qua) chủ yếu đến từ các ngân hàng nhỏ, khi nhiều ngân hàng này có chủ trương huy động lãi suất cao và cho vay với lãi suất cao. Đây cũng được cho là nguồn cơn khiến không ít các ngân hàng lớn không thể ngồi yên và cam chịu chứng kiến nguồn vốn huy động lần lượt chảy sang các ngân hàng bạn có lãi suất hấp dẫn hơn.
Dĩ nhiên, gốc rễ vấn đề là khó khăn thanh khoản của các ngân hàng phải được giải quyết dứt điểm mới mang đến tác động kép trong mục tiêu giảm lãi suất. Việc NHNN hồi đầu tháng 2.2012 yêu cầu các NHTM phải báo cáo huy động và dư nợ cho vay trên thị trường liên ngân hàng là một nỗ lực khác nhằm giải bài toán thanh khoản.
Một số nhận định cho rằng, yêu cầu này có thể giúp NHNN hiểu rõ hơn về tình trạng thanh khoản ở các ngân hàng và theo đó sẽ tạo điều kiện cho cơ quan này giảm bớt áp lực thanh khoản ở các ngân hàng nhỏ trong trường hợp muốn hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng này. Còn vào thời điểm hiện nay, NHNN chưa giảm lãi suất do việc giảm lãi suất huy động có thể đẩy các ngân hàng nhỏ vào tình trạng khó thanh khoản hơn.
“Trong khi đó, giảm các lãi suất chính sách như lãi suất tái cấp vốn và lãi suất thị trường mở (đang là 15% và 14%/năm) có thể phá vỡ cấu trúc lãi suất” – chuyên gia Đoàn Thị Thu Hoài nhận định. Thông thường, một cấu trúc lãi suất hợp lý là khi lãi suất tái cấp vốn hoặc lãi suất thị trường mở phải cao hơn so với lãi suất thị trường.
Một số dự báo cho rằng, vào thời điểm cuối quý I nếu thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định hơn, lạm phát giảm đáng kể và niềm tin vào tiền đồng trở lại, NHNN có thể sẽ có dư địa chính sách cho việc giảm lãi suất một cách rõ ràng, bằng cách can thiệp giảm lãi suất chính sách hay giảm trần lãi suất. Và dù vào thời điểm nào, các điều chỉnh liên quan đến lãi suất sẽ vẫn thận trọng nhằm hài hoà với mục tiêu ổn định lạm phát, tỉ giá, kinh tế vĩ mô.
Theo Văn Nguyễn
Lao động