Chính sách mới >> Tài chính 20/03/2012 11:45 AM

Đề nghị tăng mức phạt hành vi chậm nộp, trốn thuế

20/03/2012 11:45 AM

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án luật mới sửa đổi, bổ sung 31 điều trong tổng số 120 điều của Luật Quản lý thuế hiện hành.

“Lịch sự thì lách luật, còn gian lận thuế thì khá phổ biến”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/3.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng cần nâng cao mức xử phạt với hành vi gian lận, trốn thuế để đảm bảo tính răn đe.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án luật mới sửa đổi, bổ sung 31 điều trong tổng số 120 điều của Luật Quản lý thuế hiện hành.

Sẽ có 21 nội dung tại ba nhóm vấn đề được đề xuất sửa đổi với mục tiêu tạo thuận lợi cho người nộp thuế, giảm chi phí, thời gian của người nộp thuế. Đồng thời tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành chính thuế nhằm chống thất thu, giảm nợ thuế…

Ở nhóm vấn đề đơn giản hóa thủ tục hành chính, đáng chú ý là thời gian thủ tục hoàn thuế được rút ngắn khá nhiều. Như trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày được rút xuống còn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Với nhóm vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, dự thảo luật do Chính phủ trình đã bổ sung quy định để xử lý linh hoạt hơn việc xóa nợ tiến thuế, tiền phạt…

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế sẽ xin ý kiến tại kỳ họp Quốc hội thứ ba tới đây và sẽ thông qua tại kỳ họp Quốc hội cuối năm nay.

Thẩm tra sơ bộ dự án luật này, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, nội dung sửa đổi về cơ bản chỉ mới tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, chưa thể hiện rõ mục tiêu tạo công cụ vĩ mô để góp phần chống thất thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung thêm 7 nội dung cụ thể, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm trong việc nộp, khai thuế.

Ở luật hiện hành, người nộp thuế có hành vi chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và bị xử phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp”.

Từ giám sát thực tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, tình trạng các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vay là khá phổ biến. Do đó, với mức phạt chậm nộp 0,05%/ngày là tương đối thấp, một số doanh nghiệp đã cố tình chiếm dụng tiền thuế, chấp nhận bị phạt chậm nộp, không thực hiện nghĩa vụ thuế, gây khó khăn cho hành thu.

Vì vậy, đề nghị sửa đổi theo hướng nâng mức phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế lên mức cao hơn hiện hành, có thể quy định mức phạt 0,1% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nói.

Về mức phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, luật hiện hành quy định xử phạt 10% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn và phạt tiền thuế chậm nộp trên số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế được hoàn cao hơn.

Để bảo đảm tính răn đe và nâng cao hiệu quả thực thi quy định về chế tài xử phạt, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị nâng mức phạt lên gấp đôi.

Khung mức phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế đang được áp dụng cũng được cơ quan thẩm tra đề nghị thu hẹp từ 2- 3lần để nâng cao hiệu lực quản lý.

Tán thành nâng mức phạt, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, mức phạt phải cao hơn mức lãi suất vay ngân hàng mới có ý nghĩa.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ phát biểu, mức phạt với hành vi chậm nộp thuế như đề nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cao hơn rất nhiều lãi suất ngân hàng. “Nếu phạt nặng quá thì đối tượng vi phạm sẽ quay sang mua chuộc cán bộ thuế và để ngăn ngừa việc đó là rất khó”, ông Huệ quan ngại.

Một nội dung khác cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận là điều kiện xóa nợ và thẩm quyền xóa nợ thuế.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận xét, tại dự án luật điều kiện xóa nợ còn lỏng lẻo, khi chỉ có hai điều kiện là đã áp dụng biện pháp cưỡng chế và đã quá 10 năm. Theo ông Lý, nếu không quy định gia cảnh, tài sản, nhân thân thì có thể có sự móc nối để kéo dài thời gian nộp thuế, vì cứ quá 10 năm là thoát. Vì thế, cần quy định tiêu chí, điều kiện để xóa nợ cụ thể hơn ngay trong luật này.

Đồng tình với báo cáo thẩm tra, ông Lý cho rằng, “Chính phủ không nên đứng ra xóa nợ thuế, cứ theo luật chứ không thể cái gì cũng lên Thủ tướng và Chính phủ”.

“Sẽ quy định tiêu chí xóa nợ chặt chẽ hơn”, Bộ trưởng Huệ tiếp thu.

Theo Nguyên Vũ
VnEconomy

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,197

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079