|
Các địa phương đã "vượt rào" khi thông báo mời thầu bằng nguồn vốn kết dư quỹ BHYT 2010 |
Hai Bộ có lấn sân?Trở lại công văn số 12625 Bộ Tài Chính gửi Bộ Y tế yêu cầu chỉ đạo BHXH Việt Nam hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tạm dừng việc tiêu pha số kết dư quỹ BHYT năm 2010. Bộ Y tế cho biết đã có nhiều cuộc họp với Bộ Tài chính cũng như BHXH Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Ngày 4/10/2011 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có văn bản số 6187/BYT-BH đề nghị BHXH Việt Nam có văn bản gửi các địa phương đề nghị chưa triển khai việc phân bổ, sử dụng số kết dư quỹ khám chữa bệnh BHYT năm 2010 tại các địa phương.
Tuy nhiên, BHXH Việt Nam đã “nửa nạc nửa mỡ” khi gửi văn bản cho các địa phương với nội dung đề nghị địa phương lên kế hoạch…chờ thay vì thông báo dứt khoát rằng phải tạm dừng như chỉ đạo của Liên bộ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên PLVN, ông Nguyễn Minh Thảo- Phó TGĐ BHXH Việt Nam cho rằng BHXH Việt Nam đã thực hiện đúng luật khi thông báo cho các địa phương sử dụng số kết dư quỹ BHYT năm 2010.
Theo ông Thảo thì BHXH Việt Nam là đơn vị quản lý quỹ BHYT và quy định của Luật cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số thu bảo hiểm y tế lớn hơn số chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thì được sử dụng một phần kết dư để phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại địa phương.
Việc BHXH Việt Nam thông báo số kinh phí được sử dụng từ nguồn kết dư quỹ BHYT 2010 để mua sắm trang thiết bị y tế cho các địa phương đã được Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam chấp thuận tại Nghị quyết số 1065/NĐ-HĐGL ngày 22/3/2011. Tại công văn số 2078/VPCP-KGVX ngày 5/4/2011, Văn phòng chính phủ thông báo chỉ đạo của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng ghi rõ Chính phủ cho phép BHXH Việt Nam được sử dụng số kết dư quỹ BHYT năm 2010 để mua sắm trang thiết bị y tế theo khoản 2, điều 11,Nghị định 62/2009-NĐ-CP.
Tuy nhiên, Liên bộ đã dẫn chiếu các quy định của pháp luật để khẳng định BHXH Việt Nam đang làm trái. Cụ thể, trong công văn số 6187/BYT-BH, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký nêu rõ: theo điều 5 của QĐ số 04/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về quản lý tài chính đối với BHXH Việt Nam thì hàng năm BHXH Việt Nam phải trình Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam để thông qua báo cáo quyết toán Quỹ BHYT và sử dụng số kết dư.
Sau khi Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam thông qua báo cáo quyết toán thu Quỹ BHYT năm 2010, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án sử dụng Quỹ BHYT kết dư năm 2010 trên cơ sở bảo đảm tốt nguồn dự phòng. Quan điểm của Bộ Y tế là tạo điều kiện cho các địa phương được sử dụng nguồn vốn quỹ kết dư nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT.
Như vậy rõ ràng khi chưa trình hội đồng quản lý BHXH Việt Nam thông qua báo cáo quyết toán, việc BHXH Việt Nam “vội vàng” gửi thông báo cụ thể số kinh phí được sử dụng từ nguồn kết dư Quỹ BHYT 2010 là chưa phù hợp.
Bình luận về sự vụ này, một quan chức của BHXH Việt Nam (không đồng ý cho báo giới nêu tên) “tố” Liên Bộ đang “lấn sân” BHXH Việt Nam vì theo luật thì Bộ Tài chính và Bộ Y tế là đơn vị xây dựng chính sách và giám sát việc thực hiện chính sách BHYT chứ không phải đơn vị quản lý quỹ BHYT nên hai Bộ “giành” quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ là “trái vai”, sai thẩm quyền”.
Phản bác lại, đại diện Liên bộ cho hay không phải đơn vị quản lý quỹ nhưng trách nhiệm của Bộ Tài Chính và Bộ Y tế là giám sát hoạt động của Quỹ và việc phát hiện đơn vị quản lý Quỹ đang làm trái cũng như việc dự thảo công văn xin ý kiến Thủ tướng về việc sử dụng nguồn kinh phí kết dư là hoàn toàn tuân thủ quy định của pháp luật.
Những nghi vấn lớn sau cú “vượt rào” của các địa phương
Được biết BHXH Việt Nam vừa có số liệu kết dư quỹ BHYT năm 2010 có quyết toán và đang chờ Bộ Y tế có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, thời hạn sử dụng kinh phí kết dư quỹ BHYT năm 2010 chỉ còn chưa đầy 4 tháng ( tính từ thời điểm 13/9/2011- 31/12/2011). Trước đó, thời hạn sử dụng kinh phí kết dư quỹ BHYT 2010 đã từng được “lùi” một lần từ tháng 6/2011 tới thời hạn là 31/12/2011.
Hiện như đã phân tích trong số báo trước, các địa phương vẫn đang “vượt rào” thông báo mời thầu mua sắm trang thiết bị y tế từ nguồn vốn kết dư quỹ BHYT 2010.
Vị quan chức của BHXH Việt Nam(không đồng ý cho báo giới nêu tên ở trên) cho biết doanh nghiệp tham gia đấu thầu các gói thầu có nguồn vốn từ kết dư quỹ BHYT 2010 của các địa phương không phải lo việc không giải ngân được hay bị Bộ Tài chính “ách” lại bởi đây là nguồn vốn độc lập với ngân sách nhà nước. “Nguồn vốn này là do sự chi tiêu căn cơ của địa phương từ tiền đóng góp của nhân dân địa phương”, vị quan chức này giải thích như vậy.
Cũng theo thông tin từ vị quan chức này thì nếu địa phương không mời thầu trước mà chờ tới khi có sự thống nhất, đồng ý lần thứ hai của Chính phủ về việc chi tiêu số kinh phí kết dư Quỹ BHYT 2010 thì sẽ hết thời hạn giải ngân bởi thủ tục mời thầu, đấu thầu ít nhất phải 3 tháng mới xong.
Như vậy, có thể thấy các địa phương đã được “bật đèn xanh”, cứ mời thầu để chờ khi có hướng dẫn mới của Chính phủ thì sẽ chính thức “tiêu tiền”.
Trong khi đó, trao đổi chính thức với báo giới, ông Lê Bạch Hồng- TGĐ BHXH Việt Nam cho biết sau khi Bộ Tài chính, Bộ Y tế có ý kiến, BHXH Việt Nam đã có thông báo về các địa phương. Trong đó nói rõ việc phải đợi có con số kết dư sau khi quyết toán, chủ trương là cho phép sử dụng kết dư quỹ BHYT 2010 để mua sắm trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thông báo này cũng đề nghị địa phương lập kế hoạch, chờ việc quyết toán, tiền về tài khoản mới được tổ chức mới thầu.
“Việc cho phép sử dụng số kết dư từ quỹ BHYT 2010 mua sắm trang thiết bị y tế mới là chủ trương mà y tế địa phương đã mời thầu tung tóe là sai. BHXH Việt Nam thông báo để các địa phương lên kế hoạch dự kiến, mới áng chừng tồn dư như vậy, địa phương phải lập kế hoạch chờ rồi đợi tiền chuyển về. Tiền chưa có, kế hoạch chưa thông qua đã mời thầu là y tế địa phương sai.”, ông Hồng khẳng định và nói thêm cần tìm hiểu xem y tế các địa phương vội vã mời thầu có chuyện gì không minh bạch đằng sau hay không.
Trong một diễn biến khác, phóng viên PLVN còn nhận được thông tin có chuyện “sân sau sân trước” trong việc địa phương vội vã mời thầu các dự án nguồn vốn từ kết dư quỹ BHYT 2010 dù chưa có kết luận cuối cùng về việc có được tiêu khoản tiền này hay phải nộp vào quỹ dự phòng.
Rất có thể hàng ngàn tỷ đồng đang có nguy cơ bị sử dụng sai mục đích, không hiệu quả.
Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin mới xung quanh vấn đề này.
Thanh Lương
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN