Phải điều chỉnh sở hữu của Nhà nước theo Luật Doanh nghiệp

07/05/2015 08:11 AM

Luật doanh nghiệp 2014 sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 1/7/2015. Để có thể áp dụng được luật này, Chính phủ phải sửa một số quy định hiện đang áp dụng với khối Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về tỷ lệ sở hữu cho phù hợp.

Lĩnh vực cảng biển đang thoái vốn rất mạnh, thậm chí là thoái hết vốn nhà nước mà theo Quyết định 37 hiện hành vẫn là loại doanh nghiệp mà Nhà nước phải nắm 75% vốn Ảnh: TL về càng Quảng Ninh, nơi nhà nước đã thoái 100% vốn. Ảnh: TL.

Báo cáo mới đây của Bộ KH-ĐT, Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg (ban hành tiêu chí phân loại DNNN) đang phân chia doanh nghiệp theo các nhóm sở hữu của Nhà nước: 100% vốn Nhà nước;  từ 75% đến 100% vốn nhà nước; từ 65% - dưới 75%; trên 50% tổng số cổ phần của doanh nghiệp.

Nhưng Luật Doanh nghiệp quy định: chỉ có công ty TNHH một thành viên do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ mới được coi là DNNN. Đối với công ty cổ phần, chỉ còn ngưỡng sở hữu 65% ( để có quyền thông qua các quyết định quan trọng của doanh nghiệp như ngành nghề; cơ cấu tổ chức; tổ chức lại; giải thể công ty…) và từ 51% trở lên (quyết định các vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông).

Mặt khác, theo quy định của Luật Doanh nghiệp mới thì khái niệm DNNN chỉ là những Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước. Các công ty cổ phần có vốn nhà nước, thậm chí vốn chi phối theo tỷ lệ cao cũng chỉ quản lý phần vốn thông qua người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp. Do đó, cũng cần có sự rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến việc quản lý, giám sát đối với người đại diện vốn nhằm đảm bảo việc minh bạch, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí và đúng quy định của nhà nước.

Điều quan trọng hơn là trong thực tế triển khai, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đã được Thủ tướng cho phép có những điều chỉnh linh hoạt về tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước. Cụ thể: lĩnh vực công ích như môi trường đô thị, cấp thoát nước, quản lý đường thủy, đường bộ, cảng biển…đã khuyến khích bán hết cho các nhà đầu tư trong nước với điều kiện doanh nghiệp cam kết cung cấp tốt các dịch vụ cho nhân dân.

Một số trường hợp khác bộ quản lý ngành cũng có định hướng kiến nghị cho phép nhà nước nắm giữ dưới mức quy định, không còn theo quyết định 37 như lĩnh vực khai thác, quản lý cảng hàng không.

Bộ KH-ĐT cho rằng cần tiếp tục mở rộng cơ hội cho khối tư nhân bằng hình thức giảm tỷ lệ nhà nước xuống dưới mức chi phối, thậm chí không cần nắm giữ trong các lĩnh vực nhà nước không cần thiết phải trực tiếp thực hiện như các lĩnh vực công ích. Trong trường hợp cần thiết phải quản lý, định hướng thì có thể thông qua cơ chế cổ phần ưu đãi biểu quyết hoặc các hình thức quản lý nhà nước đối với chất lượng sản phẩm, dịch vụ công ích và mức giá trần đối với các sản phẩm này nhằm đảm bảo việc cung cấp dịch vụ cho người dân với chất lượng cao với mức giá được kiểm soát bởi Hội đồng nhân dân các cấp.

Như vậy, xuất phát từ thực tế nêu trên, cần thiết phải sửa lại tiêu chí, danh mục phân loại DNNN theo quyết định 37 cho phù hợp hơn, nếu không khó có thể áp dụng vào thực tế và đi ngược lại những cải cách, sửa đổi của Luật doanh nghiệp.

Lan Nhi

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,805

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079