Công khai danh tính cơ sở thực phẩm sai phạm?

08/05/2015 08:26 AM

Sáng 7-5, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM cho biết qua đợt thanh tra và kiểm tra chuyên ngành 225 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế (tiến hành từ ngày 6-1 đến 30-4), Chi cục đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 56 cơ sở với tổng số tiền trên 962 triệu đồng.

Đưa vào “sổ đen”

Tỉ lệ 25% (56/225) cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sai phạm về ATVSTP khiến người dân chưa thật sự yên tâm về bữa cơm gia đình của mình. Để ngăn chặn triệt để các kiểu làm ăn gian dối trên sức khỏe người dân, vấn đề đặt ra là phải công khai “sổ đen” các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sai phạm, tuy nhiên đây là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, cho rằng việc công khai các cơ sở vi phạm ATVSTP là điều phải làm nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật.

Theo ông Hòa, khoản 1 Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính  có nội dung: “Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt”. Ông Hòa cho biết thêm, Điều 39 Luật Thanh tra quy định: “Kết luận thanh tra phải được công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

“Căn cứ vào các điều luật nói trên, Chi cục ATVSTP TP.HCM đang tổng hợp để công khai cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sai phạm vào tuần sau” - ông Hòa cho biết.

Tuy nhiên, hiểu như thế nào là “gây hậu quả lớn” và “gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội” để công khai tên các cơ sở là điều không đơn giản.

Cơ quan chức năng có quyền công khai

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng khoản 1 Điều 8 Nghị định 81/2013/NĐ-CP  (ngày 19-7-2013 của Chính phủ) hướng dẫn và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Đối với các trường hợp vi phạm phải được công bố công khai theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người đã ra quyết định xử phạt gửi văn bản về việc công bố công khai và bản sao quyết định xử phạt vi phạm hành chính đến người phụ trách báo hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của UBND cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạmtrong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định xử phạt”.

“Như vậycơ quan chức năng có quyền công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tất cả cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã bị xử phạt hành chính” - ông Chánh nói.

Theo ông Chánh, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là“gây hậu quả lớn”hoặc“gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội”. Vì vậy trường hợp cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bị xử phạt hành chính có bị công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo khoản 1 Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính hay không là do cơ quan chức năng xác định.

Sợ ảnh hưởng đến doanh nghiệp

Trong khi đó, luật sư Châu Quý Quốc (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại có cách hiểu khác. Luật sư Quốc cho biết theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 1 Điều 8 Nghị định 81/2013/NĐ-CP thì không phải tất cả hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt đều bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính chỉ yêu cầucông bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính mà các hành vi vi phạm này“gây hậu quả lớn” hoặc “gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội”.

Mặt khác, luật sư Quốc cho hay một khía cạnh khác cần lưu ý là việc công bố công khai các thông tin cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chínhvề an toàn thực phẩm,chất lượng sản phẩm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

“Do đó cần phải có hướng dẫn cụ thể về những trường hợp vi phạm hành chính nào là“gây hậu quả lớn” hoặc “gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội” để áp dụng thống nhất” - ông Quốc nêu quan điểm.

Vẫn còn sử dụng chất cấm

Từ ngày 6-1 đến 30-4, Chi cục ATVSTP TP.HCM đã thanh tra 225 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; qua đó đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 56 cơ sở với tổng số tiền trên 962 triệu đồng. Các vi phạm thường gặp bao gồm: không khám sức khỏe, không có giấy xác nhận kiến thức ATVSTP đối với những người trực tiếp tham gia chế biến, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, dụng cụ chế biến không đảm bảo các điều kiện ATVSTP.

Kết quả còn cho thấy vẫn tồn tại nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm sử dụng phụ gia không nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế như hàn the, formol... Ngoài ra vẫn còn một số nhà hàng, quán ăn sử dụng sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch hoặc nguyên liệu chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh thanh tra các cơ sở nói trên, Chi cục ATVSTP TP.HCM còn kiểm tra 48 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, căn tin trên địa bàn TP. Kết quả ghi nhận có bốn cơ sở không đạt các điều kiện ATVSTP, sử dụng phụ gia và nguyên liệu thực phẩm không rõ xuất xứ.

TRẦN NGỌC - HỒNG TÚ

Theo Pháp luật TP.HCM

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,262

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079