Thực hiện Thông tư 30: Thầy cô hoang mang, trò sa sút

15/05/2015 10:20 AM

Thực hiện Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhận xét của giáo viên mang tính động viên là chính, không đánh giá đúng thực chất năng lực học sinh. Kết thúc năm học, nhiều học sinh học sút thấy rõ

Tròn một năm Thông tư 30  của Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển từ hình thức đánh giá bằng điểm số qua nhận xét ở bậc tiểu học, dù nhiều phương án giảm tải được triển khai nhưng những lo lắng, hoang mang vẫn còn nguyên đối với giáo viên (GV) cũng như phụ huynh, học sinh (HS).

Bạc đầu vì nhận xét

GV một trường tiểu học tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho hay tại Hà Nội, nhiều trường có tới 60 HS/lớp, việc nhận xét quá vất vả. Một tiết học 35 phút, giảng bài, uốn nắn từng câu từng chữ còn không đủ thời gian, do đó nhận xét của GV trong hàng loạt sổ sách không thể nào thực chất.

Học sinh Trường Tiểu học Đuốc Sống (quận 1, TP HCM) trong giờ học Ảnh: TẤN THẠNH

“Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng thừa nhận đánh giá theo thông tư mới khiến GV lơ là hơn với HS vì mất quá nhiều thời gian vào việc sổ sách. Trong khi đó, sổ học bạ, sổ liên lạc, sổ theo dõi chất lượng có nhiều nội dung trùng lặp” - GV này cho hay.

GV một trường tiểu học tại quận 1, TP HCM bày tỏ: “Những quy định ngầm như lời nhận xét phải tinh tế, tránh làm tổn thương học trò, lời nhận xét không được lặp lại… khiến GV bạc cả đầu vì tìm lời nhận xét”. GV này phân tích trước đây, khi HS làm bài toán với thang điểm 10, những câu sai thì ghi rõ là sai để HS biết và biết em được bao nhiêu điểm. Còn nay, HS làm bài được khoảng 4 điểm nghĩa là học kém mà vẫn phải nhận xét những lời sáo rỗng như “em cần cố gắng hơn”,  “bài em làm chưa được”… Nếu GV có tâm thì chỉ ra chưa được ở mức độ nào, sửa sai ra sao, còn không thì HS mông lung không biết mình thế nào”.

GV một trường tiểu học tại quận 7, TP HCM băn khoăn: “Trước đây, tôi có thói quen vừa chấm điểm vừa góp ý thêm cho HS khi cần thiết và không nhất thiết bài nào cũng nhận xét. Nhưng theo Thông tư 30, bài nào cũng phải phê. Lời phê có thật sự quan trọng và có tác dụng với HS hay không khi lời nào cũng na ná nhau vì sao chép từ sổ này sang sổ khác?”.

Học sinh lơ là

“Nói thẳng là một năm thực hiện quy định mới, tôi thấy không ít HS lơ là trong việc học, học sút trông thấy” - một GV tại Hà Nội nêu thực tế. “Không có điểm, HS không biết mình học ở mức nào. Những nhận xét kiểu như “cần cố gắng hơn” không giúp HS biết mình ở mức độ nào mà cố gắng: cố để đạt trung bình hay cố để đạt giỏi? Nếu nhận xét chung chung thì phụ huynh không thấy được ưu, khuyết điểm của con em, còn nếu nói những gì cần cố gắng để học tốt thì lại dễ gây hiểu nhầm là chê HS nặng nê khiến phụ huynh hoang mang” -  GV  này tâm sự.

GV này cho biết thêm kỳ kiểm tra học kỳ vừa rồi đã báo động tình trạng HS làm bài không hết mình, thiếu tinh thần học tập... khiến GV vô cùng mệt mỏi. Tâm lý HS là nếu bị điểm kém thì rất sợ bố mẹ hỏi về điểm, nay GV không chấm điểm nữa nên áp lực về điểm số lẫn tâm lý  sợ bố mẹ mắng vì bị điểm kém không còn nên không cần cố gắng.

Cô Bùi Thị Thu Dung, GV Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TP HCM), cho biết: “GV bộ môn còn cực hơn nữa do phải dạy nhiều lớp, nhiều HS khác nhau nên khó nhớ rõ đặc điểm của từng HS để có thể nhận xét chính xác về học tập, năng lực, phẩm chất theo đặc thù của từng bộ môn. Khi có quy định cởi trói là GV được nhận xét linh hoạt, GV sẽ có thời gian nhận xét kỹ hơn, GV cũng ghi nhận, theo dõi HS trong từng tuần hoặc hằng ngày để cuối tháng ghi vào sổ theo dõi và sổ liên lạc” - cô Dung đề nghị.

Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình, Hà Nội), thừa nhận việc đánh giá từ định lượng sang định tính hoàn toàn không đơn giản. “Chúng tôi phải tập huấn rất kỹ cho GV về việc nhận xét HS. Tuy nhiên, để việc chấm điểm bằng nhận xét hiệu quả thì điều quan trọng là mối quan hệ giữa GV - phụ huynh phải chặt chẽ. Không chấm điểm, không tạo áp lực không có nghĩa là phụ huynh không theo sát con mình; ngược lại, càng cần phải sát sao hơn” - bà Yến nhấn mạnh.

Vị hiệu trưởng này cũng cho rằng cần phải nghiên cứu việc nhận xét trong sổ sách sao cho hợp lý, thực chất và tránh quá tải cho GV.

Cần linh hoạt trong đánh giá

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ mong muốn của không ít GV là nên giữ lại việc chấm điểm nhưng không ghi vào sổ hằng tháng mà điểm đó để cho học sinh phấn đấu, thi đua trong học tập, tránh việc HS lười học, mất tinh thần thi đua. Điểm cuối mỗi kỳ được dùng làm cơ sở để đánh giá, khen thưởng.

“Cần linh hoạt hơn trong việc đánh giá, kiểm tra, không nên gò bó làm mất đi tính sáng tạo của cả trò và thầy” - vị hiệu trưởng này đề nghị.

YẾN ANH - ĐẶNG TRINH

Theo Người Lao Động

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,246

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079