“Là một điều tra viên rất nhiều năm tôi cho rằng, ghi, lấy lời khai của bị can, bị cáo chỉ là một chứng cứ chứ không phải là chứng cứ duy nhất để buộc tội. Sau khi ghi lời khai, bị can, bị cáo đều được đọc lại và ký xác nhận. Với quy định mới, chẳng lẽ mỗi bị can bị cáo đều được trang bị một cái hòm trong trại tạm giam để đựng lời khai của mình. Tôi cho rằng, đây là điều không phù hợp, gây khó khăn và tốn kém”, ĐBQH Nguyễn Đức Chung khẳng định.
ĐBQH, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 27/5.
Về vấn đề chủ thể thu thập chứng cứ, dự án Bộ Luật Tố tụng Hình sự sửa đổi quy định, luật sư là người bào chữa cho bị can lại vừa có quyền đi “điều tra” và tìm chứng cứ.
Theo Đại biểu Chung, như vậy chẳng khác nào giao cho luật sư cái quyền “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Luật sư nếu được trang bị quyền này sẽ dẫn đến chồng chéo về mặt nghiệp vụ và gây khó khăn cho cơ quan điều tra.
“Chúng tôi luôn khuyến khích gia đình bị can bị cáo nhờ luật sư. Bởi sẽ đảm bảo quyền lợi cho bị cáo và khiến các điều tra viên không dám sử dụng ép cung, nhục hình trong việc lấy lời khai. Tuy nhiên có một cái khó là theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện nay trên cả nước có tới hàng chục ngàn luật sư. Tôi cho rằng không thể nào đủ được để bào chữa hết cho các bị cáo”, ĐBQH Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Như thông tin trao đổi với PV, ĐBQH Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội (Đoàn ĐBQh TP.Hà Nội) cho rằng, Bộ Luật Tố tụng Hình sự sửa đổi được soạn thảo khá công phu. Chủ thuyết quan trọng nhất của Bộ luật sửa đổi là thể chế hóa Hiến pháp về quyền con người và tăng cường kiểm soát quyền lực của các cơ quan tố tụng để đảm bảo quyền của người dân. Khắc phục những hạn chế của luật hiện hành. “Bộ Luật Tố tụng Hình sự sửa đổi có rất nhiều thay đổi và đột phá. Nhiều chuyên gia quốc tế còn khẳng định bộ luật sửa đổi lần này còn đột phá hơn so với luật của nhiều nước phát triển trên thế giới”, ĐB Quyền khẳng định. |
Văn Chương - Anh Đức