Thảm án do mê tín về tấm ảnh cưới

19/10/2011 15:11 PM

Không biết do đâu và tự bao giờ một số người dân ở Thanh Phú Long (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) có một lòng tin tai hại rằng, khi tấm ảnh cưới của cặp vợ chồng nào đó bị nhòe (vì bất cứ lý do gì), điều đó có nghĩa người chồng hoặc người vợ trong tấm ảnh cưới “có vấn đề”, cụ thể là “ngoại tình”. Một người chồng vì mù quáng với lòng tin đầy chất mê tín đó đã ra sức theo dõi mọi động thái của vợ, để rồi án mạng đã xảy ra.

Phiên tòa chật kín nông dân

Một ngày cuối tháng 9 vừa qua, phòng xét xử Hình sự- TAND tỉnh Long An bỗng trở nên nhộn nhịp khác thường vì chật cứng những người đến dự phiên tòa trong bộ dạng của nhà nông. Họ đến từ xã nông nghiệp vùng sâu Thanh Phú Long, huyện Châu Thành. Hầu hết họ đều là bạn bè, họ hàng, người thân của cả bị cáo lẫn bị hại. Họ đến dự phiên tòa không phải để tỏ thái độ căm phẫn trước một vụ giết người, mà là vì sự hiếu kỳ muốn biết Hội đồng xét xử sẽ phán xử ra sao về một vụ giết người theo họ là “lãng xẹt”, không xuất phát từ bất cứ mâu thuẫn nào, nạn nhân không có bất cứ lỗi lầm gì đối với bị cáo, bị cáo cũng không có bất cứ hằn thù, ân oán gì đối với nạn nhân.
 
 

Kẻ giết người Trần Thiện Văn. 


Bị cáo giết người chỉ vì một lòng tin tai hại rằng, một khi tấm ảnh cưới của vợ chồng bị cáo vì lý do nào đó mà bị nhòe, có nghĩa là vợ của bị cáo đã “phản bội” chồng và người đàn ông (là bạn của cả vợ chồng bị cáo) đã phải hứng chịu những nhát dao oan nghiệt cho đến chết mà cặp mắt vẫn mở trừng không biết vì sao người bạn thân lại xuống tay sát hại mình.
 
Bị cáo Trần Thiện Văn (sinh năm 1969, ngụ tại ấp Thanh Tân, xã Thanh Phú Long), khuôn mặt tỏ rõ sự hối hận, đau khổ thật sự, không dám nhìn thẳng vào mặt những người thân đứng chật cứng phòng xét xử. Trả lời những câu hỏi của Hội đồng xét xử, bị cáo Văn thừa nhận hoàn toàn tội lỗi của mình, không một chút quanh co hay biện minh cho hành vi giết người của mình.
 
Khi Hội đồng xét xử hỏi giữa bị cáo và bị hại (Nguyễn Công Hùng, sinh năm 1968, ngụ cùng ấp) có mâu thuẫn gì không, Văn đã lắc đầu và trả lời rất rõ: “Không có”. Vậy thì tại sao lại nhẫn tâm xuống tay giết chết bị hại? Câu trả lời đã làm những người dự phiên tòa bàng hoàng, xôn xao: Vì nghi vợ mình ngoại tình, nên trong số những người đàn ông sống xung quanh, ai tỏ ra gần gũi, thân thiết nhất thì người đó chính là “thủ phạm”.
 
Có lẽ, trong những ngày bị tạm giam, bị cáo Văn đã có thời gian để đánh giá, gặm nhấm những sai lầm của mình nên tại phiên tòa, bị cáo khá bình tĩnh, nói năng rất trôi chảy. Bị cáo cho rằng mình đã có thời gian trong tù để nhìn nhận toàn bộ sai lầm nên rất ăn năn hối hận, hổ thẹn với lương tâm, với gia đình, làng xóm, chỉ vì ghen bóng ghen gió mà mà gây nên án mạng, làm chết oan uổng một người bạn, làm tan nát cả hai gia đình...
 
Bị cáo đã thành tâm xin lỗi gia đình người bị hại, xin tòa giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội ra tù khắc phục hậu quả bằng cách đi làm kiếm tiền phụ chăm sóc cho hai đứa con nhỏ của bị hại Nguyễn Công Hùng.
 
Có mặt tại phiên tòa, chị Trần Ngọc Trinh – vợ của nạn nhân Nguyễn Công Hùng – cứ khóc từ đầu đến cuối. Thái độ đau khổ của chị như làm cho bị cáo Văn cảm thấy bị dằn vặt, ân hận nhiều hơn. Chị Trinh cho biết, vợ chồng chị đã có hai con, chị bán tạp hóa tại nhà, chồng chạy xe ôm, tuy không giàu có nhưng gia đình yên ấm, hạnh phúc.
 
Chồng chị là người tận tụy với công việc, hết lòng thương yêu, chăm sóc vợ con, ít nhậu nhẹt, không có biểu hiện gì gọi là “trăng hoa”, không ai có thể nghĩ rằng anh Hùng chồng chị lại có thể “lăng nhăng” với một phụ nữ khác. Vậy mà chồng chị lại chết oan uổng vì bị nghi ngờ có quan hệ tình cảm với một phụ nữ đã có chồng con.
 
Từ khi án mạng xảy ra, trong dư luận xã Thanh Phú Long cũng có ý kiến cho rằng “không có lửa sao có khói”. Nếu chồng chị Trinh không có gì với vợ bị cáo Văn thì sao lại xảy ra án mạng thảm thương. Tại phiên tòa, khi nghe chính miệng bị cáo Văn nói rằng chỉ do “ghen bóng ghen gió”, chỉ vì lòng tin đầy chất mê tín dị đoan xung quanh “tấm ảnh cưới bị nhòe” nên mới giết người, chứ thật ra bị cáo không thấy và không có bằng chứng gì cho thấy vợ mình và nạn nhân Hùng có “tình ý”, chị Trinh đã òa khóc.
 
Chị vừa cảm thấy nhẹ nhõm khi chính miệng bị cáo đã minh oan cho chồng chị, vừa đau đớn xót thương chồng không có lỗi lầm gì mà phải chịu cái chết thảm thương. Cũng có mặt tại phiên tòa, chị Nguyễn Thị Thu Thúy – vợ của hung thủ Trần Thiện Văn – đau khổ cũng không kém gì vợ của nạn nhân. Chị Thúy phải chịu đau khổ nhân đôi, nhân ba: chồng gây án bị tù, gia đình người bạn (nạn nhân) tan nát, chị bị “mang tiếng” chuyện liên quan đến nạn nhân Nguyễn Công Hùng.
 
Tại phiên tòa, bên cạnh những nỗi đau, chị Thúy đã chính thức được chồng (cũng là bị cáo) giải oan trước hàng trăm người dân xã Thanh Phú Long. Kết thúc phiên tòa, những người nông dân từ Thanh Phú Long vượt đường xa đến xem xử án như cảm thấy nhẹ nhõm vì không có chuyện “ngoại tình” dẫn đến án mạng như dư luận râm ran bấy lâu. Nhưng họ cũng không khỏi bàng hoàng về chuyện lòng tin tai hại quanh tấm ảnh cưới bị nhòe lại là nguyên nhân dẫn đến vụ án mạng nói trên.
 
Tấm ảnh cưới ở vùng quê
 
Xã Thanh Phú Long đất đai màu mỡ, lúa trồng 2 vụ/năm, thời gian gần đây còn phát triển thêm nghề trồng cây thanh long. Người nông dân nơi đây hiền hòa, cần cù trên đồng ruộng, tình cảm xóm làng vẫn mặn mà, chưa bị thay đổi nhiều do làn sóng đô thị hóa. Thế nhưng, không biết do đâu và tự bao giờ mà trong suy nghĩ của một số người dân nơi đây xuất hiện suy nghĩ không căn cứ: một khi tấm ảnh cưới của cặp vợ chồng nào đó bị nhòe (không cần biết vì lý do gì), đó là dấu hiệu cho thấy hoặc người chồng hoặc người vợ đã “phản bội”, tư tình với người khác.
 
Cũng như bao cặp vợ chồng trên khắp cả nước, những đôi tân lang – tân nương ở Thanh Phú Long cũng muốn có tấm ảnh cưới thật đẹp để lưu giữ hình ảnh ngày họ thành chồng thành vợ. Nếu như tấm ảnh cưới ở mọi nơi có giá trị như sợi dây tình cảm gắn kết cuộc sống vợ chồng thì trong một số gia đình ở Thanh Phú Long, ngoài ý nghĩa đẹp đẽ nói trên, tấm ảnh cưới còn tiểm ẩn nguy cơ tai hại khác.
 
Ngày 31/3/2011, trong lúc dọn dẹp nhà, Trần Thiện Văn đã tiện tay lấy tập ảnh cưới của mình ra xem. Văn bồi hồi nhớ về ngày cưới tràn ngập niềm vui. Đã mười mấy năm trôi qua nhưng hình ảnh ngày cưới như mới vừa hôm qua: rạp cưới được bạn bè dựng lên bằng những vật liệu dân dã nơi thôn quê như dừa nước, đủng đỉnh; bạn bè nhậu từng bừng; các “ca sĩ” nông dân hát mừng đôi uyên ương; bà con hai họ ngồi chật kín mấy chục bàn;...Văn bỗng nhíu mày nghĩ ngợi khi cầm trên tay tấm ảnh chụp cận cảnh cô dâu chú rể thật trẻ trung, xinh đẹp, chụp trước sân nhà.
 
Thế nhưng, trong khi hình ảnh của cô dâu, chú rể vẫn sáng rõ thì tấm bảng “vu quy” trên đầu họ đã bị lu mờ do ảnh để lâu ngày. Với tâm lý mê tín dị đoan, Văn cho rằng một trong hai người trong tấm ảnh đã “ngoại tình”, anh tự “kiểm điểm” lại mình và tin rằng mình vẫn chung thủy với vợ, như vậy chỉ còn khả năng vợ của anh “phản bội chồng”. Văn thu dọn tập ảnh cưới, ôm nặng trong lòng nỗi nghi ngờ vợ mình đã “lăng nhăng” với người đàn ông nào đó.
 
Văn liên tưởng, “xâu chuỗi” lại toàn bộ các mối quan hệ, các biểu hiện đã qua của vợ và những người chung quanh. Từ đó, anh nhớ ra rằng, trong ngày cưới của vợ chồng anh, người bạn Nguyễn Công Hùng có đến dự và uống rượu mừng ngày cưới đến “quắc cần câu”. Văn tự suy diễn rằng Hùng nhậu say trong ngày cưới không phải do mừng bạn mà là vì buồn chuyện gì đó.
 
Rồi Văn tự tưởng tưởng ra nhiều tình tiết kỳ lạ để gán ghép chuyện vợ mình có quan hệ tình cảm với người bạn tên Hùng. Mọi cử chỉ, thái độ của vợ và của người bạn tên Hùng đều bị Văn tưởng tượng là có dụng ý. Như khi Hùng chạy xe gắn máy ngang nhà Văn bóp kèn để người đi đường tránh vào lề thì Văn cho rằng Hùng ra ám hiệu với vợ mình trong nhà...
 
Hơn một tuần sau khi phát hiện tấm ảnh cưới bị nhòe, sáng ngày 9/4, Văn và Hùng đã tình cờ gặp nhau và cùng ngồi uống cà phê trong quán trước chợ xã Thanh Phú Long. Họ vẫn cười nói, chuyện trò như hai người bạn thân, không có bất cử biểu hiện nào cho thấy một vụ “trả thù” đẫm máu sắp xảy ra. Thậm chí Văn còn giành trả tiền cà phê cho cả Hùng. Nhưng không ai ngờ, Văn đang lận một con dao trong người và chờ thời cơ thuận tiện là ra tay giết Hùng.
 
Rời khỏi quán cà phê, Hùng đến tiệm ấp vịt Tư Nai để cho hàng vào giỏ chuẩn bị chở giao cho khách hàng. Bất ngờ từ phía sau Văn lao tới dùng dao đâm vào cổ Hùng. Hùng ngã quỵ khi vừa kịp nhìn thấy kẻ đâm mình là người bạn vừa ngồi uống cà phê chung. Sự việc diễn ra quá nhanh, dù chung quanh lúc đó có đông người nhưng khi mọi người hiểu chuyện gì đang xảy ra và can thiệp thì đã quá muộn, Hùng đã chết tại bệnh viện do vết thương quá nặng – đứt động mạnh chủ ở vùng cổ.
 
Người chết thì đã chết, kẻ giết người phải trả giá cho hành động điên rồ của mình bằng bản án 20 năm tù giam, hai gia đình tan nát vì sự tin tưởng mang màu sắc mê tín dị đoan. Từ vụ án thương tâm này, hẳn nhiều cặp vợ chồng ở Thanh Phú Long sẽ phải thay đổi quan niệm về tấm ảnh cưới của mình, tấm ảnh chỉ có thể là giá trị tình cảm gắn kết lâu dài tình nghĩa vợ chồng, chứ không thể biến nó thành nguyên nhân phá hoại hạnh phúc, thậm chí gây ra án mạng.

Theo Phunutoday

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,706

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079