Bệnh viện công khám, chữa trị tận nhà:Chưa có hành lang pháp lý

29/07/2015 08:33 AM

Triển khai mô hình bác sỹ gia đình không chỉ góp phần giảm tải tình trạng người bệnh chen lấn, vật vã đến bệnh viện khám chữa bệnh, mà còn tiết kiệm được không ít thời gian cho người bệnh.

Tuy  nhiên, do mô hình vẫn còn mới mẻ, chưa có hành lang pháp lý, quy định chung, nên việc thực hiện, triển khai sẽ gặp không ít khó khăn. PV báo ĐS&PL đã tìm hiểu thực tế dịch vụ này để có cái nhìn tổng thể về một xu thế mới mẻ nhưng dường như nó sẽ là... tất yếu.

Bệnh viện sẽ giảm tải nếu thực hiện tốt mô hình khám bệnh tại nhà (ảnh Dương Hạnh).

Người dân hồ hởi với mô hình bác sỹ gia đình

Trao đổi với PV về mô hình bác sỹ gia đình, bác sỹ Phạm Hữu Quốc, Phó Giám đốc bệnh viện quận Gò Vấp cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu khám chữa bệnh tại nhà ngày càng gia tăng, chúng tôi chủ động trao đổi với Bảo hiểm xã hội TP.HCM về việc thanh toán BHYT cho người dân khi sử dụng dịch vụ này. Đồng thời, chúng tôi cũng xin phép sở Y tế thành lập phòng khám bác sỹ gia đình. Dịch vụ này được bệnh viện triển khai từ tháng 11/2014 đến nay, được rất nhiều người dân ủng hộ.

Mỗi tháng, có không ít người dân đến bệnh viện để nộp sổ đăng ký khám bệnh tại nhà. Sau khi khám bệnh tại nhà cho bệnh nhân, ê kíp bác sỹ được giao nhiệm vụ sẽ tiến hành kê toa thuốc và hướng dẫn người nhà đến bệnh viện, nhận toa, lãnh thuốc”. Để người dân tiện lợi hơn trong khi sử dụng dịch vụ bác sỹ gia đình, bệnh viện Thống Nhất đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho bệnh nhân đang đăng ký BHYT tại bệnh viện.

Một đại diện bệnh viện Thống Nhất cho hay: “Mô hình bác sỹ gia đình mới chỉ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4/2015 đến nay nhưng đã thu hút được nhiều bệnh nhân. Chỉ trong vòng ba tháng, bệnh viện đã phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh tại nhà cho 150 lượt bệnh nhân”.

Được biết, giá khám bệnh tại nhà chưa bao gồm xét nghiệm cũng khá hợp lý. Cụ thể, giá khám bệnh tại nhà của bệnh viện quận Gò Vấp là 200.000 đồng/lượt (trong quận), 300.000 đồng/lượt (ngoài quận); bệnh viện Thống Nhất 250.000 đồng/lượt; bệnh viện quận Bình Thạnh từ 150-200.000 đồng/lượt.

Theo tìm hiểu của PV, cùng với việc ra đời của mô hình bác sỹ gia đình, rất nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối được khám, chăm sóc và điều trị tại nhà. Trao đổi với PV, một đại diện bệnh viện Ung Bướu cho hay: “Với những bệnh nhân nặng này thì việc được chăm sóc, khám bệnh tại nhà là cần thiết. Bởi những ngày cuối đời, người bệnh vẫn có thể được ở bên người thân ngay tại gia đình mà không cần đến viện. Mô hình này, nếu được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm tải lượng bệnh nhân tại các bệnh viện”.

Cần hiểu đúng tính chất của dịch vụ

Tiện lợi là vậy, nhưng đến nay trên địa bàn TP.HCM, số lượng bệnh viện triển khai mô hình bác sỹ gia đình vẫn còn ít. Giải thích về vấn đề này, bác sỹ Đặng Công Hân, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, bệnh viện Nhân dân Gia Định cho hay: “Mô hình bác sỹ gia đình không phải đến nay mới có nhưng số bệnh viện triển khai dịch vụ này còn quá ít. Bởi nguồn nhân lực để phục vụ cho dịch vụ bác sỹ ra đình còn rất mỏng. Với đặc thù phải đi lại tận nhà, mỗi ngày dịch vụ chỉ phục vụ cho một con số rất nhỏ người bệnh có nhu cầu khám, chữa bệnh tại nhà”.

Để khắc phục những khó khăn trên, bác sỹ Hân cho rằng cần phải thực hiện một cách đồng bộ hơn nữa trên toàn thành phố. Cần nghiên cứu nhân rộng mô hình bác sỹ gia đình ở các bệnh viện khu vực, để từ đó nguồn nhân lực đi sâu sát và phục vụ tốt hơn cho người dân. Giải thích về điều này, bác sỹ Hân cho hay: “Bởi bệnh viện cơ sở có thể dễ dàng nắm bắt được tình hình bệnh nhân, cũng như đường đi, lối lại. Do đó, việc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh tại nhà sẽ thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn. Đồng thời, các cơ quan ban ngành cần nghiên cứu và đưa ra những quy định cụ thể, rõ ràng trong việc giải quyết BHYT cho người bệnh khi sử dụng dịch vụ này”.

Trước những băn khoăn của các bệnh viện trong vấn đề giải quyết BHYT cho người dân khi sử dụng mô hình bác sỹ gia đình, bác sỹ Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết: “Do mô hình bác sỹ gia đình hiện chưa có hành lang pháp lý nên chúng tôi cũng chưa biết dựa vào cơ sở nào để thanh toán cho người bệnh. Hiện nay, BHYT mới thống nhất với một số bệnh viện chỉ thanh toán cho một số trường hợp người bệnh nặng, liệt giường...”.

Bác sỹ Đặng Huy Quốc Thịnh, bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho rằng: “Do chưa có quy định cụ thể, rõ ràng nên nếu chẳng may xảy ra rủi ro, tranh chấp trong quá trình khám chữa bệnh tại nhà giữa nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân thì các bệnh viện cũng chưa biết xử lý thế nào cho phù hợp”.           

Trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Tấn (đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Hiện nay chưa có quy định cụ thể của pháp luật về việc các bệnh viện công tổ chức khám bệnh tại nhà cho bệnh nhân. Đây là một mô hình khám chữa bệnh mới mà luật Khám, chữa bệnh chưa đề cập tới. Do đó, việc phát sinh các tiêu cực trong mô hình khám chữa bệnh này sẽ rất khó xử lý.

Do đó, trước mắt, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành quy định cụ thể để mô hình khám bệnh tại nhà phát triển theo đúng như mục đích tốt đẹp của nó. Trước hết, phải có bệnh viện chủ trì việc khám này.

Bệnh nhân phải là người đã từng khám bệnh tại bệnh viện, có phương án điều trị rõ ràng do hội đồng chuyên môn của bệnh viện thông qua, những người già, người bị ung thư giai đoạn cuối... Bác sỹ, nhân viên y tế đến nhà khám do chính bệnh viện cử đi, có giấy tờ đầy đủ để tránh bệnh nhân bị trục lợi.

Sau khi thăm khám về, bác sỹ phải cập nhật tình trạng bệnh nhân vào bệnh án... Bệnh viện phải chịu trách nhiệm về việc thăm khám tại nhà của các bác sỹ do chính bệnh viện cử đi. Bên cạnh đó, quy định của pháp luật cũng cần nêu rõ giới hạn trách nhiệm của bệnh viện, quyền và nghĩa vụ của bác sỹ và nhân viên y tế khi đến thăm khám tại nhà cho bệnh nhân. Ngoài ra, cơ quan Nhà nước cũng cần ban hành khung chi phí cho loại hình này. Chỉ có như vậy các khúc mắc liên quan đến loại hình khám chữa bệnh này mới được giải tỏa”.               

Khó khăn với bệnh viện tuyến trên

Bác sỹ Võ Đức Chiến, Giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương bày tỏ: “Mô hình này có thể thực hiện ở bệnh viện tuyến quận, huyện còn bệnh viện tuyến trên thì hơi khó. Bởi ở tuyến trên, đa phần các bệnh nhân thường đến từ nhiều tỉnh thành. Bác sỹ không thể đi từng tỉnh khám và đáp ứng nhu cầu cho người dân trong trường hợp cấp bách”.

THƠ TRỊNH – DƯƠNG HẠNH

Theo Đời Sống Pháp Luật

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,061

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079