Đó là thông tin được công bố tại Hội thảo công bố Kết quả điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em – phụ nữ (MICS) được tổ chức vào ngày 4/9.
Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Đình Chung, Phó Vụ trưởng vụ Thống kê xã hội môi trường (Tổng Cục thống kê) cho biết, kết quả từ cuộc điều tra về phụ nữ và trẻ em đã có nhiều cải thiện khi tỷ lệ trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ tăng lên; tình trạng nước sạch và vệ sinh môi trưởng được cải thiện, sức khỏe của bà mẹ và trẻ em sơ sinh được quan tâm nhiều hơn... Tuy nhiên, tỷ lệ lao động trẻ em vẫn còn cao.
Cụ thể, số liệu điều tra MICS cho thấy, tỷ lệ lao động trẻ em là 16,4% trong nhóm trẻ em 5-17 tuổi; trong đó có 12,1% tham gia vào hoạt động kinh tế, 0,7% làm việc nhà và 7,8% làm việc trong điều kiện nặng nhọc độc hại (mang vác vật nặng, vận hành máy móc dụng cụ nguy hiểm, tiếp xúc với hóa chất độc hại...).
Kết quả khảo sát cho thấy 50% phụ nữ cho rằng người chồng có đủ lý do để đánh vợ.
Trẻ thuộc nhóm hộ nghèo nhất tham gia lao động cao gấp 8 lần nhóm hộ giàu nhất; không đi học cao gấp 3,5 lần có đi học. Tỷ lệ này chênh lệch đáng kể giữa nông thôn và thành thị (2 lần); trẻ em dân tộc thiểu số và Kinh/Hoa (3,5 lần). Trung du miền núi phía Bắc có 20,8% tỷ lệ trẻ em tham gia làm việc trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm.
Bên cạnh đó, điều tra MICS Việt Nam 2014 cho thấy 81,9% phụ nữ có điện thoại di động, 63,3% trong số đó sử dụng để nghe gọi hoặc nhắn tin, 51,3% có sử dụng ít nhất một lần trong một tuần. Có 36,6% tỷ lệ phụ nữ tuổi từ 15-49 tham gia đọc báo hoặc tạp chí 1 lần/tuần, 27,6% nghe đài ít nhất 1 lần/tuần, 95,3% xem ti vi ít nhất 1 lần/tuần.
Số liệu này cho thấy tỷ lệ phụ nữ tiếp cận với truyền thông và công nghệ thông tin đã được cải thiện, song, vấn đề nhận thức của phụ nữa vẫn chưa có nhiều thay đổi.
Báo cáo MICS 2014 đánh giá thái độ của phụ nữ độ tuổi 15-49 đối với việc bị chồng đánh đập vợ bằng cách đặt câu hỏi liệu người chồng có lý do hợp lý để đánh vợ trong các tình huống khác nhau. Kết quả khảo sát cho thấy 50% phụ nữ cho rằng người chồng có đủ lý do để đánh vợ, điều này phổ biến hơn ở những hộ gia đình nghèo và phụ nữ có trình độ giáo dục thấp.
Trong đó có 28,2% phụ nữ cho rằng người chồng có thể đánh vợ với 5 lý do: Nếu đi chơi mà không nói với chồng, nếu bỏ bê con cái, nếu cãi lại chồng, nếu từ chối quan hệ tình dục với chồng, nếu làm cháy thức ăn, ông Chung cho hay.
Tại hội thảo, bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam cho rằng cần phải tuyên truyền để thay đổi nhận thức của mọi người.
Bà Thanh dẫn chứng, tỷ lệ trẻ em đi mầm non ở Đồng bằng Sông Cửu Long thấp nhất cả nước, trong khi vùng này không phải là nghèo nhất, vậy nguyên nhân có phải là do đường xá hay do nhận thức.
“Tôi đã đi đến 1 xã ở Tây Nguyên, tại xã đã có tới 2 bộ dụng cụ y tế nhưng trước đó 3 ngày vẫn có một phụ nữ tử vong khi sinh vì người chồng kiên quyết không cho bác sĩ đụng dao kéo vào người vợ, không cho vợ chuyển lên bệnh viện huyện để cấp cứu. Hay như hơn 50% phụ nữ chấp nhận cho chồng bạo hành cũng vậy. Đó là nhận thức và chúng ta phải làm sao để thay đổi cái nhận thức đó”, bà Thanh nói.
B.H
Theo Vietnamnet