Ghi hình lực lượng 141: Người dân, luật sư nói gì?

12/09/2015 08:20 AM

Hầu hết ý kiến cho rằng việc quay phim, chụp ảnh lực lượng 141 không bị pháp luật cấm nên người dân được làm.

Nhiều ý kiến cho rằng người dân có quyền giám sát các tổ công tác đặc biệt 141 làm nhiệm vụ bằng việc quay phim, chụp ảnh

Quay phim, chụp ảnh để giám sát

Mới đây, Báo Giao thông có đăng tải bài viết "Người dân có được ghi hình tổ công tác 141?"  được nhiều bạn đọc quan tâm. Theo đó, một bạn đọc gửi câu hỏi cho rằng mình đã bị cảnh sát mời về phường khi dừng lại chụp ảnh  các chiến sĩ tổ công tác đặc biệt 141  đang khống chế một thanh niên xăm trổ. Bạn đọc thắc mắc cảnh sát làm như vậy là đúng hay sai? 

Trả lời, Đại úy Đào Phan Anh (Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt Y7/141, Công an TP Hà Nội) cho rằng hiện nay chưa có quy định cụ thể nào cấm người dân quay phim, chụp ảnh các tổ công tác 141. Tuy vậy, tổ công tác 141 ngoài việc xử lý vi phạm giao thông còn làm nhiệm vụ phòng ngừa, truy bắt tội phạm. Do đó, nếu người dân tùy tiện ghi hình các tổ công tác 141 làm nhiệm vụ như vậy rất dễ làm ảnh hưởng đến bí mật công tác cũng như việc điều tra mở rộng các vụ án hình sự. Chưa kể, việc hình ảnh các tổ công tác đang làm nhiệm vụ bị đưa lên mạng xã hội với ý đồ xấu nên trường hợp người dân chụp ảnh bị mời về phường như trên là không sai.

Sau câu trả lời này của Đại úy Đào Phan Anh, rất nhiều bạn đọc đã gửi phản hồi về Báo Giao thông với những bình luận trái chiều. Đa phần đều cho rằng, việc ghi hình các tổ công tác 141 là hoàn toàn đúng pháp luật, công khai minh bạch và không có bất cứ điều gì ảnh hưởng đến bí mật nghiệp vụ của cảnh sát.

Nhiều người cho rằng chưa có quy định cấm người dân chụp ảnh, quay phim tổ công tác đặc biệt 141 thì không ai được cản trở.

Nhiều độc giả cũng nhận định, việc mời người ghi hình về trụ sở làm việc để bàn giao tài liệu ghi hình là không hợp lý. Facebooker khác tên Phung Luc lại khẳng định: "Việc cảnh sát làm nhiệm vụ cho dù là truy bắt các đối tượng nguy hiểm cũng chưa phải chuyện đụng chạm đến bí mật quốc gia nên không thể cấm người dân quay phim, chụp ảnh. Nếu càng cấm đoán, hạn chế người dân làm như vậy thì càng có cớ để dẫn đến tiêu cực. Người dân nên được khuyến khích giám sát lực lượng chức năng để lực lượng chức năng hoàn thành tốt hơn".

Nhiều độc giả trên bày tỏ những quan điểm khác nhau về việc ghi hình tổ công tác đặc biệt 141.

Nhiều độc giả còn e ngại, hành động mời người ghi hình về trụ sở công an phường sẽ tạo tâm lý sợ hãi. Cụ thể, bạn Khánh Sơn chia sẻ: "Nếu muốn làm rõ mục đích quay để làm gì, thì có thể hỏi ngay tại đó, đâu nhất thiết phải mời về phường, rồi bàn giao tư liệu này nọ, nếu mục đích người ghi hình là đúng đắn, hợp pháp thì không có lý gì giữ tài liệu của họ, trừ khi sai trái lúc đó hoàn toàn có thể bắt giữ ngay tại chỗ".

Tuy nhiên, một số độc giả lại đồng tình việc người dân không được tùy tiện ghi hình tổ công tác 141. Bạn Đặng Việt Phú cho rằng đôi khi cũng có trường hợp trong quá trình 141 truy bắt tội phạm, nhằm tránh việc bứt dây động rừng, chuyện giữ bí mật là hoàn toàn đúng, người nào ghi hình lại cũng có thể là khả năng cản trở cơ quan chức năng khiến đối tượng tội phạm dễ dàng tẩu thoát.

"Mời về phường" là không có căn cứ

Để làm rõ hơn về vấn đề này, PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty luật Hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Theo ông Truyền, hiện nay theo quy định của pháp luật không có quy định nào của pháp luật cấm công dân quay phim chụp ảnh các lực lượng chức năng, công chức đang làm việc và nguyên tắc chung là công dân được làm tất cả những gì luật không cấm. Trước đây, có công văn ra quy định về việc quay phim chụp ảnh cảnh sát giao thông. Nhưng sau đó, do công văn này có dấu hiệu vượt thẩm quyền nên đã bị hủy.

Mặt khác, một trong những nguyên tắc tổ chức, hoạt động của công an nhân dân được quy định tại Điều 5 Luật công an nhân dân năm 2014đó là: "Hoạt động của Công an nhân dân phải tuân thủ Hiến phápvà pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. (Khoản 3 Điều 5)

Như vậy, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, công dân hoàn toàn có quyền quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông nói chung và tổ công tác 141 nói riêng khi đang làm nhiệm vụ.

Trừ trường hợp có liên quan đến bí mật nhà nước, các khu vực an ninh, quốc phòng mà có quy định cấm hoặc hạn chế người dân hoặc phóng viên quay phim, chụp ảnh thì công dân bắt buộc phải tuân thủ.

Theo Báo Giao thông

Chia sẻ bài viết lên facebook 8,459

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079