Công dân bị cấm tiếp cận những thông tin gì

06/04/2016 13:56 PM

Bí mật nhà nước thuộc các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ... sẽ bị cấm tiếp cận cho đến khi được giải mật.

Sáng 6/4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật tiếp cận thông tin với 437 đại biểu đồng ý (chiếm 88%), 8 đại biểu không đồng ý và 3 đại biểu không biểu quyết.

Luật quy định mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ. Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân, đúng trình tự, thủ tục pháp luật.

Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

luật tiếp cận thông tin 2016

Đại biểu nhấn nút thông qua Luật.

Luật cũng quy định những thông tin công dân không được tiếp cận gồm: Thông tin thuộc bí mật nhà nước, thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác theo quy định của luật. Chỉ khi những thông tin này được giải mật, công dân mới được tiếp cận.

Công dân cũng không được tiếp cận thông tin nếu việc tiếp cận gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan; các tài liệu do cơ quan soạn thảo cho công việc nội bộ.

Theo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định các cơ quan nhà nước ngoài việc cung cấp thông tin do mình tạo ra, thì còn phải cung cấp thông tin do mình nắm giữ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận thông tin. Ủy ban đã bổ sung quy định khuyến khích cơ quan nhà nước tùy theo điều kiện, khả năng thực tế của mình có thể cung cấp thông tin cơ quan mình tạo ra và nắm giữ.

Luật cũng đề cập hành vi bị nghiêm cấm gồm: Cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin; cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực; cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức; cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin.

Nhu cầu minh bạch

Dự thảo luật Tiếp cận thông tin gồm 6 chương 31 điều được chuẩn bị từ năm 2008 đến nay. Các phiên thảo luận trước, nhiều đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành luật trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng như nhu cầu minh bạch thông tin ngày càng lớn.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận định rất nhiều vấn đề cần phải công khai nhưng hiện nay đều là "mật". "Ví dụ tình hình sức khoẻ của cán bộ đi nước ngoài có gì đâu mà bí mật. Việc không công khai gây nên đồn thổi không tốt, xáo trộn bất ổn xã hội", ông Sơn nói.

Đồng tình với ông Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói: "Đến thư mời đi họp cũng ghi mật thì còn gì để công khai. Do đó cần có danh mục những loại thông tin không được cung cấp và thể hiện trong luật".

Chia sẻ với VnExpress, Thạc sĩ Phan Tất Đức từng nhận định việc ban hành Luật tiếp cận thông tin trước hết sẽ tránh được thông tin xuyên tạc, đem lại sự minh bạch và phát triển xã hội.

Nhà nước Việt Nam đề cao chủ trương "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Vì thế, việc luật hóa thành tố dân biết là rất cần thiết. Bởi biết thì mới có các bước tiếp theo là bàn, làm và kiểm tra.

Trên thế giới đến nay có khoảng 100 nước ban hành luật riêng quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân. Nước đầu tiên là Thụy Điển (năm 1766), đa số các nước còn lại ban hành luật vào những năm 1990 trở lại đây. Ở châu Á, một số nước đã ban hành luật về tiếp cận thông tin như Thái Lan (1997), Hàn Quốc (1996), Nhật Bản 2001), Ấn Độ (2005), Trung Quốc (2007), Indonesia (2008)...

Luật tiếp cận thông tin tại Việt Nam có hiệu lực từ 1/7/2018.

Hoàng Thuỳ - Võ Hải

Theo Vnexpress

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,324

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079