Thủ tướng: Đóng cửa Formosa nếu tái phạm

02/07/2016 10:25 AM

Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 1/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, yêu cầu quan trọng nhất là Công ty Formosa phải cam kết không tái diễn hành vi vi phạm, nếu tái diễn sẽ kiên quyết đóng cửa.

Toàn cảnh khu công nghiệp Formosa hướng ra biển

Toàn cảnh khu công nghiệp Formosa hướng ra biển. Ảnh: Minh Thùy.

Bên cạnh đó, khi phát triển kinh tế phải chú ý đến môi trường, không phải vì kinh tế, vì thu hút đầu tư mà bỏ qua môi trường, nhất là môi trường sống của người dân.

Vụ Formosa: Không chỉ là luật pháp

Liên quan đến việc xử lý môi trường ở khu vực bị ảnh hưởng bởi Formosa, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế  Nguyễn Văn Cao cho biết, ngư dân đánh bắt gần bờ, thường nằm các xã ven biển do không có đất, không chuyển sang các hình thức sản xuất nông nghiệp khác. Vì vậy đề nghị Chính phủ có chính sách cho chuyển đổi sang đóng tàu để đánh bắt xa bờ hoặc tăng cường xuất khẩu lao động, tháo gỡ một phần khó khăn cho họ.

Ngoài ngư dân, theo ông Cao, các cơ sở du lịch cũng ảnh hưởng lớn, đặc biệt nhiều nhà đầu tư mới xây dựng xong khách sạn, resort nhưng khách du lịch “sợ” không đến. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị có chính sách tín dụng, giảm thuế giúp các nhà đầu tư vượt qua khó khăn, bởi nhiều cơ sở du lịch khách đăng ký nhưng đã hủy hết từ lúc đó đến hết năm…

Cùng đề cập đến vụ việc cá chết hàng loạt ở miền Trung vừa qua,  Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, nguyên nhân sâu xa của vụ việc xuất phát từ đạo đức, văn hóa doanh nghiệp. “Nguyên nhân sâu xa không phải là luật pháp.

 Luật pháp là một phần, nhưng nếu như có văn hóa doanh nghiệp và đạo đức doanh nhân, chắc chắn chúng ta sẽ lường trước được mọi vấn đề, sẽ không xảy ra như vụ Formosa vừa qua. Chính văn hóa mới là nền tảng cao nhất, xây dựng chuẩn mực ứng xử của xã hội, rồi mới đến pháp luật”, Bộ trưởng Thiện bình luận, đồng thời đề nghị đặt vấn đề phát triển văn hóa ngang hàng với phát triển kinh tế.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, sau nhiều nỗ lực, Chính phủ đã công bố nguyên nhân, trách nhiệm bồi thường của Formosa… Nghĩa là, chúng ta đã phát đi tín hiệu với trong nước và nước ngoài rằng, phải thực sự coi trọng lợi ích của nhân dân, vừa kinh doanh nhưng vừa phải đảm bảo yếu tố môi trường. “Tôi tin rằng, sắp tới các địa phương, các bộ, ngành, nhất là Bộ TN&MT sẽ giúp chúng ta duy trì ý thức trách nhiệm và trật tự trong việc đảm bảo môi trường”, ông Nhân bày tỏ.

Về kế hoạch hỗ trợ cụ thể, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, trong hai tuần tới sẽ hoàn thiện phương án hỗ trợ ngư dân để trình Chính phủ quyết định. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị, việc bồi thường cho người dân phải đúng, chính xác, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực.

 Theo ông Bình, việc hỗ trợ cho ngư dân phải được tiến hành bằng vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi bám biển. Qua vụ việc Formosa, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, cần phải rút kinh nghiệm, rà soát lại các cơ sở có ô nhiễm để chấn chỉnh, phòng ngừa. Việc phê duyệt các dự án đầu tư sau này phải đảm bảo phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Không vì kinh tế mà bỏ qua môi trường

Đề cập việc công bố kết luận về nguyên nhân cá chết bất thường dọc biển miền Trung do Văn phòng Chính phủ vừa tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chúng ta đấu tranh có bài bản, khoa học, đảm bảo chứng lý nên Formosa đã phải nhận trách nhiệm và chấp nhận bồi thường.

 “Thật sự là chúng tôi đã phải tính toán quá trời đi. Kết quả đạt được là từ thái độ bình tĩnh, phương pháp tiến hành khoa học, khách quan, cẩn trọng của các cấp lãnh đạo và các nhà khoa học nói chung. Tôi đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của rất nhiều bộ, ngành, cơ quan chức năng”, Thủ tướng nói.

Về việc sử dụng khoản tiền 500 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng) phía Formosa đã cam kết đền bù thiệt hại do gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng tại miền Trung, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT dự thảo chủ trương chính sách để cùng Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT để giải quyết, sử dụng cho các mục đích khác nhau.

 Thủ tướng cũng lưu ý chú trọng hỗ trợ theo hướng đầu tư cho chương trình đánh bắt xa bờ để mang lại hiệu quả dài lâu, bền vững hơn. Có thể dùng khoản tiền này để giúp hạ lãi suất cho vay với người dân đầu tư tàu để đánh bắt xa bờ chỉ còn 1-1,5%. Thứ hai, phân về Quỹ hỗ trợ môi trường để khôi phục môi trường biển đã bị xâm hại. Đồng thời, tính toán một phần để hỗ trợ trực tiếp cho những người dân bị thiệt hại qua sự cố.

“Cần tính sao để số tiền 11.500 tỷ đồng Formosa bồi thường cho Việt Nam được sử dụng, đạt hiệu quả tốt nhất”, Thủ tướng nói và yêu cầu các cơ quan tập hợp báo cáo gửi Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch sử dụng tiền đền bù để trình lên Chính phủ sớm nhất.

Cuối phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ và các địa phương phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn. Cùng với đó, cần hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin cho, không đùn đẩy trách nhiệm, chống lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm… Đó chính là bản chất của Chính phủ kiến tạo mà chúng ta cần hướng tới.

Văn Kiên - Luân Dũng

Theo Tiền phong

Chia sẻ bài viết lên facebook 10,994

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079