Quốc hội dành 6 ngày quyết định nhân sự Nhà nước

20/07/2016 08:01 AM

Trong kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa 14 sẽ dành khoảng 6 ngày làm việc để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước, trong đó bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.

9h sáng 20/7, 494 đại biểu khóa 14 bước vào phiên họp đầu tiên tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội. Sau diễn văn khai mạc của Chủ tịch Quốc hội khóa 13 Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ phát biểu ý kiến.

Tiếp đó Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020; kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội khóa 13 Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày tờ trình về số phó chủ tịch Quốc hội, số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo chương trình, Quốc hội dành 6 ngày làm việc để xem xét, quyết định công tác nhân sự Nhà nước, gồm bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội.

Những ngày kế tiếp, Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.

Quốc hội cũng sẽ quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.

Sáng nay, phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa 14 sẽ khai mạc. Ảnh minh họa: Giang Huy.

Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 3 (họp tháng 7), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhất trí về việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021. Đối với các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và các chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước đã được Hội nghị Trung ương 2 (họp tháng 3) bỏ phiếu giới thiệu hoặc cho ý kiến thông qua, Hội nghị Trung ương 3 nhất trí tiếp tục đề xuất, giới thiệu. Điều này đồng nghĩa với việc Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm (nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13) sẽ tiếp tục được giới thiệu với Quốc hội khóa 14 để bầu theo quy định pháp luật.

Ngay sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ làm lễ tuyên thệ trước Quốc hội.

Quốc hội cũng sẽ xem xét chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Hiện tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất rút khỏi chương trình năm 2016 các dự án: Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật chứng thực; Luật biểu tình; Luật về máu và tế bào gốc; Luật quốc phòng (sửa đổi) (chuyển sang Chương trình 2017).

Ngoài nội dung trên, Quốc hội sẽ dành khoảng 2 ngày làm việc để thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và một số nội dung quan trọng khác.

Tại kỳ họp lần này, Chính phủ sẽ gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay Su-30MK2, CASA-212 và báo cáovề tình trạng cá chết hàng loạt tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Võ Hải - Hoài Thu

Theo VnExpress

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,801

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079