Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Đề nghị án treo cho nhiều người làm công
Theo đó, VKS cho rằng hành vi của Phạm Công Danh và các bị cáo vi phạm quy định về hoạt động kiểm toán kế toán, vi phạm luật các tổ chức tín dụng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng và an ninh tiền tệ.
Phạm Công Danh là người đề ra chủ trương và chỉ đạo các bị cáo khác cùng những người làm thuê thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật trong thời gian dài, gây thiệt hại cho ngân hàng Xây dụng 9.000 tỉ đồng. Hậu quả này đặc biệt nghiêm trọng.
Gia đình bị cáo Danh có công với đất nước, Danh tiếp nhận ngân hàng khi ngân hàng khó khăn về thanh khoản, nên Danh đã vi phạm pháp luật. Việc gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng là đặc biệt nghiêm trọng, cần phải có hình phạt nghiêm khắc.
VKS đề nghị bị cáo Danh mức án 20 năm tù cho tội “Vi phạm quy định về cho vay” và 20 năm tù đối với tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gậy hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt cho bị cáo Danh là 30 năm tù.
VKS cũng nêu, các bị cáo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết là người có quyền quyết định, nhưng vẫn tích cực giúp Danh thực hiện hành vi trái pháp luật nên cần phải xử nghiêm. Tuy nhiên các bị cáo thành khẩn và không hưởng lợi từ các vi phạm này.
Tại tòa, các bị cáo ăn năn hối cải và thành khẩn khai báo nên cần phải xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. VKS đề nghị bị cáo Phan Thành Mai từ 24-26 năm tù, bị cáo Mai Hưu Khương từ 22- 24 năm tù, bị cáo Hoàng Đình Quyết từ 20-22 năm tù.
Đối với nhóm bị cáo nguyên là nhân viên bảo vệ, trông xe tại tập đoàn Thiên Thanh đã được nhờ làm giám đốc các doanh nghiệp, đại diện VKS cho rằng, đây là những người không có chuyên môn nghiệp vụ, nhận thức còn hạn chế nên đề nghị HĐXX tuyên các mức án tù nhưng cho hưởng án treo.
Đối với nhóm bị cáo nguyên là cán bộ nhân viên ngân hàng tín dụng của VNCB, đề nghị mức án cao nhất đến 6 năm tù cho tội vi phạm quy định về cho vay.
Nhóm bị cáo phạm tội cố ý làm trái khác bị đề nghị các mức án từ 3 đến 11 năm tù.
Kiến nghị thu hồi 5.190 tỉ để hoàn trả vào tài khoản cho bà Bích
Ngoài phần hình phạt, phần trách nhiệm dân sự trong vụ án cũng được xác định. Theo đó, đại diện VKS cho rằng, 35 bị cáo khác dù có hành vi đồng phạm, giúp sức cho bị cáo Danh nhưng không ai được hưởng lợi gì từ hành vi này. Bị cáo Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh phải chịu trách nhiệm hoàn trả toàn bộ hơn 9.000 tỉ đồng cho VNCB.
Đối với những tài sản đã kê biên nhưng đã được thế chấp tại một số ngân hàng, cần phải giải tỏa kê biên để bị cáo Danh thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các ngân hàng.
Đối với tài sản khác của Phạm Công Danh, VKS đề nghị tiếp tục kê biên để đảm bảo việc thi hành án và khắc phục hậu quả.
Đối với số tiền 5.190 tỉ đồng đã được chuyển trái ý muốn từ tài khoản của bà Trần Ngọc Bích đến tài khoản của Phạm Công Danh, sau đó Danh chuyển sang tài khoản của ông Trần Quý Thanh, đại diện VKS cho rằng đây là khoản tiền vi phạm pháp luật mà có nên cần phải hoàn trả vào tài khoản cho bà Bích. Do đó, ngân hàng Xây dựng tiếp tục tạm giữ 124 sổ tiết kiệm để khắc phục hậu quả.
Trong số tiên 3.600 tỉ đồng đã được Phạm Công Danh chuyển trả vào tài khoản của bà Hứa Thị Phấn (để mua lại ngân hàng), VKS xác định có 851 tỉ đồng là tiền do Danh phạm tội mà có, do đó, kiến nghị HĐXX thu hồi 851 tỉ đồng này để trả lại cho ngân hàng Xây dựng.
Kiến nghị thu hồi 3 tỉ đồng Danh đã trả cho ông Nguyễn Việt Hà (giám đốc quỹ Lộc Việt) để khắc phục hậu quả.
Kiến nghị khởi tố bà Hứa Thị Phấn vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo đó, VKSND TP.HCM nhận thấy, một số cá nhân có hành vi có dấu hiệu tội phạm:
Đối với nhóm bà Hứa Thị Phấn và 29 cá nhân khác: Bị cáo Danh mua ngân hàng Đại Tín trong tình trạng ngân hàng đã bị âm. Việc chuyển giao ngân hàng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc chuyển mua cổ phần ngân hàng, mua bán lòng vòng, cần phải khởi tố điều tra tội lừa đảo, trốn thuế của các đối tượng có liên quan.
VKS đề nghị HĐXX khởi tố vụ án tại tòa đối với hành vi của các đối tượng trên.
Ngoài ra, VKS cũng kiến nghị HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục xem xét một số hành vi vi phạm đã và đang được cơ quan điều tra xem xét đối với vai trò của ngân hàng VIDB; Ban thanh tra giám sát của Ngân hàng nhà nước đã không thực hiện tốt vai trò của mình mà tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước trong việc đề xuất để bị cáo Danh tái cơ cấu ngân hàng trong khi Danh không đủ điều kiện. Đề nghị cơ quan điều tra xem xét vai trò của từng cá nhân.
Ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc quỹ Lộc Việt, là người ký hợp đồng ủy thác đầu tư để mua trái phiếu của 3 công ty, thực tế 3 công ty này đều không phát hành trái phiếu mà mua trái phiếu của Thiên Thanh từ tiền của VNCB, Hà đã giúp Danh rút 903 tỷ đồng, VKS cho rằng cần điều tra hành vi cố ý làm trái của Nguyễn Việt Hà. Do đó, VKS kiến nghị khởi tố tại tòa đối với hành vi này.
Phạm Thị Trang (Trang phố núi, hiện đã xuất cảnh ra nước ngoài) là người giúp sức tích cực cho Danh tìm khách hàng, trong đó có Bích. Tại tòa, Bích cũng thừa nhận làm việc với Trang. Cần khởi tố điều tra hành vi cố ý làm trái của Trang khi giúp sức với Danh rút 63 tỉ đồng từ việc nâng cấp hệ thống CoreBanking. Đại diện VKS kiến nghị HĐXX yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ hành vi của Trang.
Nhóm cán bộ nằm trong Hội đồng tín dụng của Đại Tín đã duyệt hồ sơ vay, chấp nhận sử dụng tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất tại sân vận động Chi Lăng được định giá theo chứng thư thẩm định với giá trị 913 tỷ đồng, đây là giá tài sản hình thành trong tương lai với 2 khoản vay gây thiệt hại 477 tỷ đồng cho VNCB, cần phải điều tra làm rõ hành vi này.
HOÀNG ĐIỆP
Theo Tuổi trẻ