Thông tin về môi trường biển và việc khai thác, sử dụng hải sản 4 tỉnh miền Trung

20/09/2016 15:43 PM

Tại cuộc giao ban thông tin báo chí sáng 20/9, các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông tin về môi trường biển và việc khai thác, sử dụng hải sản tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đọc báo cáo của Bộ Y tế. Ảnh: NLĐ

Chất lượng nước biển đạt quy chuẩn

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân, sau sự cố ô nhiễm biển miền Trung, Bộ đã phối hợp với các đơn vị triển khai chương trình quan trắc, đánh giá chất lượng nước biển, trầm tích và các hệ sinh thái trong thời gian từ tháng 4 đến hết tháng 5/2016 trên phạm vi 8 tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam với mục đích thông tin cho cộng đồng, góp phần xác định nguyên nhân của sự cố.

Tiếp đó, Bộ đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai chương trình đánh giá, xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái biển do sự cố môi trường được tiến hành trong tháng 6/2016 trên phạm vi vùng biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Đến tháng 8/2016, tiếp tục thực hiện quan trắc bổ sung vị trí để kiểm tra lại mức độ ô nhiễm phenol trong môi trường nước biển tại một số khu vực.

Ngày 22/8/2016, tại Quảng Trị, Bộ TN&MT đã tổ chức công bố kết quả điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển do sự cố môi trường gây ra tại 4 tỉnh ven biển miền Trung, trong đó khẳng định, về cơ bản, hầu hết các thông số chất lượng môi trường nước biển đều nằm trong giới hạn cho phép.

Ông Võ Tuấn Nhân cho biết, với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đã giảm theo thời gian. Chất lượng môi trường nước biển tại tất cả các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn môi sinh.

Đang xây dựng đề án hỗ trợ người dân

Cũng tại cuộc giao ban, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn cho biết, ngay sau khi Bộ TN&MT công bố về kết quả điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển do sự cố môi trường gây ra tại bốn tỉnh miền Trung, Bộ đã ban hành công văn về hướng dẫn nuôi trồng và khai thác thủy sản, giám sát an toàn thực phẩm và sản xuất muối tại 4 tỉnh miền Trung.

Theo đó, đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Bộ hướng dẫn các địa phương tuyên truyền hướng dẫn người dân nuôi trồng thủy sản mặn, lợ bình thường; thực hiện công tác quan trắc môi trường tại các vùng nuôi thủy sản tập trung; thực hiện các biện pháp kỹ thuật đối với nuôi lồng, đăng, quầng và bãi triều; nuôi trong ao, đầm.

Đối với lĩnh vực khai thác hải sản, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân hoạt động khai thác thủy sản bình thường, kết hợp với lấy mãu giám sát về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Bộ khuyến cáo ngư dân chưa khai thác tại 3 khu vực biển (Hòn Sơn Dương, tỉnh Hà Tĩnh, cách bờ 1,5 km với diện tích 300 km2; cửa Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình, cách bờ 1,5 km với diện tích 330 km2; Hòn Sơn Chà, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách bờ 1,5 km với diện tích 160 km2). Đồng thời, không sử dụng các nghề khai thác tầng đáy như nghề lưới kéo, rê đáy, lặn, câu đáy, lồng bẫy, khai thác nhuyễn thể hai mảnh vỏ tự nhiên trong vùng biển 20 hải lý trở vào bờ thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế.

Về giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản, Bộ tổ chức thực hiện giám sát tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ và lưu ý các loại hải sản tầng đáy thường gặp ở vùng biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Thời điểm lấy mẫu giám sát là khi sản phẩm khai thác được bốc dỡ từ tàu khai thác đưa lên bờ tiêu thụ. Tần suất lấy mẫu giám sát 2-3 ngày/lần, tùy theo điều kiện thực tế ở địa phương. Số lượng mẫu đại diện cho các tàu đang đưa cá lên bờ tại thời điểm lấy mẫu; lựa chọn cá thể mẫu bảo đảm đại diện tầng sinh thái (tầng đáy, tầng nổi) và các loài hải sản khác nhau (cá, giáp xác, nhuyễn thể).

Ngoài ra, tổ chức tuyên truyền hướng dẫn diêm dân tham gia sản xuất muối bình thường và lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm định kỳ…

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương thống kê, xác định thiệt hại do sự cố này gây ra cũng như xây dựng đề án nhằm xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng.

Khuyến cáo của Bộ Y tế

Thứ trưởng Bộ  Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai lấy mẫu, kiểm nghiệm và cung cấp kết quả cho các cơ quan nhằm xác định nguyên nhân cá chết cũng như tiến hành nghiên cứu, đánh giá mức độ an toàn của hải sản 4 tỉnh miền Trung.

Theo đó, kết quả nghiên cứu cho thấy, tất cả các hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung đều bảo đảm an toàn để sử dụng làm thực phẩm.

Các hải sản như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các loại hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý chưa bảo đảm an toàn để sử dụng làm thực phẩm.

Để bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế đề nghị người dân không sử dụng các loại hải sản ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các loại hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý (các loại hải sản tầng đáy theo danh mục của Bộ NN&PTNT).

UBND 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế chỉ cho phép lưu hành lô sản phẩm khi đã được xét nghiệm an toàn, đối với các lô không an toàn phải buộc tiêu hủy và đền bù theo quy định. Đồng thời, tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân về các loại hải sản chưa bảo đảm an toàn; chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp triển khai các biện pháp cần thiết để bảo đảm việc khai thác, sử dụng hải sản an toàn theo đúng hướng dẫn của các Bộ.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện chương trình giám sát định kỳ đối với các hải sản được khai thác ở 4 tỉnh miền Trung nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe cho nhân dân. Đồng thời, tiếp tục lấy mẫu các loại hải sản có phát hiện phenol ở trên và các hải sản khác ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý để tiến hành giám sát, xét nghiệm.

                                                                                                                                         T. Minh

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,671

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079