Bộ Y tế đang lấy ý kiến về thông tư quy định tổ chức hoạt động và giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu trong các cơ sở KCB công lập. Trong đó, bộ quy định mức giá trần đối với các loại dịch vụ và giá các dịch vụ KCB chất lượng cao do người bệnh lựa chọn.
Giá dịch vụ, chất lượng bình dân
Theo dự thảo của Bộ Y tế, ngoài việc khống chế giá trần các dịch vụ y tế, tại khu vực khám theo yêu cầu, mỗi bác sĩ khám không quá 35 bệnh nhân/ngày; phòng bệnh phải bảo đảm 10 loại thiết bị y tế, 10 loại thiết bị sinh hoạt (tivi, tủ lạnh, máy điều hòa, điện thoại, internet...) và nhân lực bao gồm bác sĩ, điều dưỡng trực 24/24 giờ.
Đặc biệt, trong dự thảo này, Bộ Y tế cũng quy định mức giá của dịch vụ khám bệnh: tại Hà Nội và TP HCM thu tối đa 200.000 đồng/lần và giá giường bệnh 2,4 triệu đồng/ngày/phòng 1 giường, thấp nhất là 600.000 đồng/ngày/phòng 4 giường. Tại Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, giá khám tối đa 150.000 đồng/lần, giá ngày/giường cao nhất là 1,8 triệu đồng, thấp nhất 450.000 đồng. Với các địa phương còn lại, giá tối đa 100.000 đồng/lần khám và giá giường/ngày cao nhất là 1,2 triệu đồng, thấp nhất 300.000 đồng.
Nhiều năm qua, phòng khám dịch vụ, tự nguyện tại các bệnh viện (BV) được coi là giải pháp giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách, nâng cao chất lượng KCB. Hiện giá dịch vụ y tế theo yêu cầu của các BV công do các BV tự quyết định. Chính vì thế, viện phí ở khu vực này rất lộn xộn. Thậm chí, đã có không ít lời phàn nàn của bệnh nhân cho rằng dịch vụ quá đắt đỏ, không tương xứng với số tiền họ phải chi trả.
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế, giá KCB dịch vụ tại các cơ sở y tế do giám đốc đơn vị tự quyết định trên cơ sở bù đắp chi phí và có tích lũy. Bộ Y tế và Bộ Tài chính đang xây dựng khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Khung giá này được xây dựng trên cơ sở tính đầy đủ chi phí và tích lũy 10%. Các BV sẽ thu từ mức quy định trở xuống, đồng thời phải xây khu khám và điều trị dịch vụ tách riêng khỏi khu khám bệnh bình thường, khám BHYT.
Nhiều bệnh viện đầu tư phòng bệnh theo mô hình khách sạn để đáp ứng nhu cầu của người có điều kiện
Thu chẳng bù chi?
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, cho rằng điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc của nhiều BV ở Việt Nam tương đương với các nước trên thế giới. Các kỹ thuật khó ở nước ngoài làm được thì nay bác sĩ trong nước cũng đã thành thạo nên không có lý do gì “ép” BV phải thu ở mức không đủ bù chi. Nếu Bộ Y tế quy định giá trần các dịch vụ KCB theo yêu cầu thì giá này cũng nên tương đương giá dịch vụ của các nước trong khu vực để BV mạnh dạn đầu tư, giữ chân bệnh nhân khá giả.
Cùng quan điểm, lãnh đạo một BV chuyên khoa ở Hà Nội dẫn chứng: Chi phí kỹ thuật mổ Phaco khoảng 3,8 triệu đồng, trong khi theo danh mục dịch vụ, mức trần cao nhất Bộ Y tế đưa ra là 2,6 triệu đồng. Với giá như vậy thì thu không đủ bù chi.
Lãnh đạo một BV tuyến cuối ở Hà Nội cũng bày tỏ đã là khám tự nguyện theo kiểu “thuận mua vừa bán” thì Bộ Y tế không nên quy định “chặn giá”. Bệnh nhân có quyền yêu cầu phòng bệnh trang trí hoa tươi, bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc 24/24 giờ, được sử dụng dịch vụ tốt nhất… Vì thế, nếu chỉ theo giá trần của bộ thì không thể nào đáp ứng được.
Giá cao mà hợp lý thì vẫn duyệt Ông Nguyễn Nam Liên cho biết thông tư quy định tổ chức hoạt động và giá dịch vụ KCB hiện mới chỉ là dự thảo, Bộ Y tế sẽ tiếp thu ý kiến của các BV. Tuy nhiên, BV công bắt buộc phải có các quy định chung về điều kiện và giá khám bệnh dịch vụ, không thể “thả nổi” để BV muốn định giá thế nào thì định. BV có thể xây dựng các gói dịch vụ khác nhau để đề xuất với Bộ Y tế. Nếu tính toán thấy giá cả hợp lý, điều kiện tương xứng thì bộ sẽ xét duyệt. |
Ngọc Dung
Theo Người lao động