Tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam

18/10/2016 16:10 PM

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam được đưa ra thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vào sáng 18/10.

Việc cấp thị thực điện tử sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người nước ngoài, cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh. Ảnh minh họa

Theo Tờ trình của Chính phủ việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử  nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần phát triển du lịch, môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo đó, toàn bộ quá trình, từ nộp hồ sơ, xem xét giải quyết và thông báo kết quả cấp thị thực cho người nước ngoài,... đều thực hiện bằng phương tiện điện tử. Quy định cấp thị thực điện tử như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người nước ngoài, cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh.

Tuy nhiên, việc cho phép người nước ngoài tự in thị thực điện tử không phù hợp với quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể, Luật quy định thị thực được cấp vào hộ chiếu hoặc cấp rời (Khoản 3, Điều 7), chưa quy định về thị thực điện tử. Với quy trình cấp thị thực như trên thì có thể hiểu thị thực điện tử là thị thực rời. Theo quy định tại Điều 11 của Luật, thị thực rời chỉ cấp trong một số trường hợp nhất định, không cấp cho tất cả người nước ngoài.

Về điều kiện cấp thị thực, theo quy định tại Khoản 2, Điều 10 của Luật, thì người nước ngoài đề nghị cấp thị thực phải có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh (trừ trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 17).

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 4, Điều 10, người nước ngoài vào Việt Nam để đầu tư, hành nghề luật sư, lao động, học tập, sống cùng thân nhân... khi đề nghị cấp thị thực phải có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh. Nếu thực hiện cấp thị thực điện tử sẽ bỏ quy định này.

Về cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực, theo quy định của Luật, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao chỉ tiếp nhận hồ sơ mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam và cấp thị thực mới cho người nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam (Điều 15, 16, 19). Người đang ở nước ngoài sẽ nhận thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài (cơ quan đại diện Việt Nam) hoặc tại cửa khẩu quốc tế (Điều 17, 18). Theo hướng này thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh được cấp thị thực cho người đang ở nước ngoài.

“Do vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam, việc xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm chủ trương này là cần thiết”, Tờ trình nêu.

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, theo Tờ trình, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết áp dụng giao dịch điện tử trong quá trình, thủ tục xét cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Đối tượng áp dụng là người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam và các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Việt Nam.

Về thời gian, theo Tờ trình, để thực hiện việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam bắt đầu từ 1/1/2017, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV cho ý kiến và thông qua Nghị quyết.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ những vấn đề về sự cần thiết xây dựng và ban hành Nghị quyết; tên gọi của Nghị quyết; phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; tính phù hợp giữa nội dung dự thảo Nghị quyết với đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; cách thức thực hiện cấp thị thực điện tử; vấn đề về bảo đảm quốc phòng-an ninh; những kẻ hở mà người nước ngoài có thể lợi dụng để nhập cảnh bất hợp pháp vào Việt Nam;…

Phát biểu kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, tại cuộc họp có 9 ý kiến tham gia thảo luận, đại đa số ý kiến cho rằng, việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là rất cần thiết. Đây là một trong những nội dung cải cách hành chính, tăng cường hội nhập mà Việt Nam đang thúc đẩy, nội dung này chưa được quy định trong luật xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết là đúng thẩm quyền.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cần cân nhắc, làm rõ vấn đề cấp thị thực điện tử có thực sự thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển hay không trong bối cảnh cơ sở hạ tầng, nhân lực của nước ta như hiện nay.

Về nội dung áp dụng thí điểm cấp thị thực điện tử đối với tất cả người nước ngoài, không phân biệt đối tượng; thực hiện trên phạm vi cả nước, các cửa khẩu đều chấp nhận visa điện tử…, nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ thêm tính khả thi của nội dung này, như: Cơ sở hạ tầng của Việt Nam có cho phép hay không, các cửa khẩu do biên phòng phụ trách có thể thực hiện được nhiệm vụ này hay không, việc cấp thị thực có thể bị người nước ngoài lợi dụng để vào Việt Nam trái phép hay không…

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị quyết tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trong dự thảo Nghị quyết, cũng như có báo cáo đầy đủ.

Về thời gian thí điểm, đa số ý kiến đều tán thành với thời gian thí điểm là 2 năm nếu được Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị phải bổ sung nội dung kết thúc thí điểm, Chính phủ phải tổng kết, báo cáo Quốc hội về kết quả thí điểm để có cơ sở sửa đổi, bổ sung luật.

Về quy trình, Nghị quyết này chưa có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, cũng như chưa có trong chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, do đó để Quốc hội xem xét thì phải được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và chương trình kỳ họp thứ 2.

Nhấn mạnh thời gian từ nay đến kỳ họp thứ 2 còn rất ngắn, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị trên cơ sở ý kiến của UBTVQH tại phiên họp này và trên cơ sở báo cáo thẩm tra, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Nghị quyết theo quy định để gửi UBTVQH xem xét.

UBTVQH sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị về các vấn đề liên quan đến dự thảo Nghị quyết; đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị đầy đủ hồ sơ của dự thảo Nghị quyết theo quy định để xin ý kiến UBTVQH bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV sắp khai mạc tới đây.

Nguyễn Hoàng

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,487

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079