Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Tăng lương: Cần thực hiện, không mang tính định hướng
Theo tờ trình của Chính phủ về định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, mức chi điều chỉnh tiền lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công tăng khoảng 7-8%/năm. Đánh giá về mức chi này, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) cho rằng, mức này là "hợp lý".
Tuy nhiên, đại diện Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ cần đưa chỉ tiêu này thành mục tiêu thực hiện, không mang tính chất định hướng, gắn với yêu cầu kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp lại bộ máy, đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Điều quan trọng là phải điều chỉnh tiền lương theo lộ trình đã được đề ra.
Trong điều hành, căn cứ khả năng thu, Ủy ban đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi với mức tăng cao hơn theo lộ trình.
"Có ý kiến cho rằng, giai đoạn 2011-2015, chưa thực hiện được lộ trình cải cách tiền lương đã đưa ra, do vậy, đề nghị giai đoạn 2016 - 2020, cần tăng mức chi điều chỉnh tiền lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công lên 10-12%/năm, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương", ông Nguyễn Đức Hải cho biết thêm.
Trong vấn đề tiền lương, Ủy ban TCNS cũng góp ý Chính phủ cần lưu ý tăng cường công tác quản lý và chú trọng đến sự an toàn và hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế.
"Ngân sách hiện nay là ngân sách tiêu dùng, nặng về chi thường xuyên"
Tờ trình của Chính phủ xây dựng quy mô thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng gấp 1,65 lần so với giai đoạn trước. Tăng tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN, phấn đấu tăng từ 67,8% giai đoạn trước lên mức khoảng 87-88% vào cuối giai đoạn.
Nêu ý kiến về vấn đề này, Ủy ban TCNS cho rằng, việc điều chỉnh cơ cấu thu NSNN theo hướng tăng thu từ nội địa nền kinh tế, giảm thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu là hợp lý, tạo sự ổn định, bền vững nguồn thu NSNN.
Tuy nhiên, ông Hải bày tỏ băn khoăn: Để đạt được mục tiêu này, tốc độ tăng thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh bình quân khoảng 20%/năm là khá cao (so với giai đoạn trước 15%), đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn, những yếu tố thúc đẩy sản xuất kinh doanh còn hạn chế.
Chính vì vậy, ông Hải cho rằng, việc xây dựng quy mô thu NSNN tăng như Chính phủ trình là khá cao so với mức tăng quy mô của GDP, tiềm ẩn rủi ro về khả năng thu NSNN. Vì vậy, để đảm bảo dự toán thu NSNN khả thi hơn, Chính phủ cần trình Quốc hội điều chỉnh dự toán khi có biến động của kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến việc thực hiện dự toán thu và một số chỉ tiêu kinh tế - tài chính khác.
Chính phủ dự kiến điều chỉnh lại cơ cấu chi NSNN theo hướng: tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên mức bình quân 25-26% cả giai đoạn, giảm tỷ trọng chi thường xuyên khoảng 67% xuống mức khoảng 60-62% trong giai đoạn 2016-2020.
Về vấn đề này, Ủy ban TCNS cho rằng, nhìn chung trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, ngân sách hiện nay là ngân sách tiêu dùng, nặng về chi thường xuyên, chưa phải là ngân sách phát triển vì tỷ lệ tích lũy từ ngân sách cho đầu tư phát triển còn rất thấp. Đầu tư phát triển từ nguồn NSNN chủ yếu dựa vào vay để bù đắp bội chi, vay ngoài nước, vay phát hành trái phiếu Chính phủ và số thu từ xổ số kiến thiết, thu từ đất còn chiếm tỷ trọng lớn.
Do quy mô nền kinh tế còn nhỏ, dẫn đến quy mô thu NSNN còn thấp, nên việc điều chỉnh cơ cấu chi theo phương án Chính phủ trình là phù hợp với xu hướng cơ cấu lại NSNN đã đề ra, đại diện Ủy ban TCNS nhận xét.
Do đó, đa số các thành viên trong Ủy ban tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc dự kiến bố trí tổng chi đầu tư phát triển khoảng 2 triệu tỷ đồng (phân bổ tối đa 1,8 triệu tỷ đồng, còn lại dự phòng 10%). Còn tỉ trọng của chi đầu tư phát triển chiếm 25-26% tổng chi NSNN, chỉ là định hướng vì còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng thu NSNN hàng năm, mức cụ thể do Chính phủ trình Quốc hội quyết định theo từng năm.
Bích Diệp
Theo Dân trí