Luật Tín ngưỡng tôn giáo có 9 chương, 68 điều, quy định cụ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo;...
Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Luật quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Luật quy định Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
Luật quy định rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, theo đó mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo hoặc học tại cơ sở đào tạo tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo hoặc học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác...
Liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước. Cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Đối với huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì UBND huyện đồng thời thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã quy định tại Luật này.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo số 21/2004/UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Nguyễn Hoàng
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ