Trả lời lòng vòng, Bộ trưởng GD-ĐT liên tục bị nhắc

24/11/2011 17:14 PM

(ĐVO) Chủ tịch Quốc hội liên tục phải cắt ngang phần trả lời chất vấn để nhắc nhớ Bộ trưởng GD – ĐT Phạm Vũ Luận trả lời đúng nội dung và trọng tâm câu hỏi của các ĐBQH.



Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận là người mở đầu phiên trả lời chất vấn sáng 24/11.

Các ĐBQH sẽ chất vấn Bộ trưởng về các vấn đề nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ tập trung trả lời nhóm vấn đề chất lượng giáo dục, đào tạo ở các bậc học, vấn đề quy hoạch, thành lập, nâng cấp các trường đại học, cao đẳng, liên kết đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ; Tình trạng cơ sở vật chất của các trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa; Vấn đề chạy trường, dạy thêm học thêm, lạm thu, thiếu trường mầm non công lập.

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn sáng 24/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý các đại biểu hỏi ngắn gọn, vào thẳng trọng tâm câu hỏi và các Bộ trưởng trả lời dứt khoát, đúng nội dung câu hỏi, tránh vòng vo, dài dòng. 24 ĐBQH đã đăng kí chất vấn Bộ trưởng GD – ĐT.

Bộ trưởng GD - ĐT Phạm Vũ Luận trong phiên trả lời chất vấn sáng 24/11.


Là người chất vấn đầu tiên, đại biểu Phan Văn Tường (đoàn Thái Nguyên) đặt câu hỏi: “Hiện nay, có rất nhiều học sinh Việt Nam chọn du học tại các trường đại học nước ngoài, trong khi các đại học trong nước thường xuyên không tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Nguyên nhân có phải là do chất lượng đào tạo đại học trong nước quá thấp, không đáp ứng được yêu cầu của người học?”.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trình bày tình hình lập mới và nâng cấp các trường đại học từ năm 2006 – 2011. Theo đó, trong vòng 6 năm này, cả nước đã thành lập thêm 84 trường đại học, nâng tổng số trường đại học hiện nay ở nước ta lên con số 202 trường. Bộ trưởng tiếp tục nêu bốn nguyên nhân khiến các trường đại học không tuyển đủ chỉ tiêu.

Chủ tịch QH đã phải cắt ngang để nhắc Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời đúng nội dung đại biểu chất vấn: Có phải chất lượng giáo dục đại học trong nước đang yếu kém, bất cập không?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đưa ra con số về vị trí xếp hạng của giáo dục Việt Nam được quốc tế đánh giá. Theo đó, năm 2011, giáo dục Việt Nam đứng hạng 69/141 quốc gia được xếp hạng.

Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Phan Văn Tường tiếp tục nêu ý kiến: “Việc học sinh lựa chọn trường tốt hơn để học là điều tất yếu. Nhưng từ đó, các trường không tuyển đủ chỉ tiêu phải tự xem lại tại sao lại như vậy, không thể cứ đổ lỗi cho khách quan”.

Đại biểu Trần Minh Diệu (đoàn Quảng Bình) chất vấn: “Tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông những năm gần đây rất cao, tỷ lệ này có phản ánh đúng chất lượng giáo dục không? Ngược lại, kết quả thi môn Sử rất thấp, có phải cách ra đề và đáp án có vấn đề?”.

ĐBQH Trần Minh Diệu cho rằng: "Rõ ràng việc ra đề thi và đáp án môn Sử có vấn đề".


Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải trình: “Bộ GD – ĐT đã lập các đoàn thanh tra, kiểm tra kết quả thi tốt nghiệp ở các địa phương có tỷ lệ tăng đột biến nhưng chưa phát hiện sai phạm nào”. Bộ trưởng cũng khẳng định: “Việc ra đề thi môn Sử không có vấn đề gì”.

Không đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Trần Minh Diệu tiếp tục chất vấn: “Thực tế học sinh học môn sử trong trường không hề kém, rất nhiều học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi học sinh giỏi môn này. Nhưng chính các học sinh này khi đi thi đại học lại điểm thấp. Rõ ràng cách ra đề và đáp án môn Sử có vấn đề”.

Các đại biểu tiếp tục chất vấn Bộ trưởng về các nội dung liên quan đến các vấn đề lạm thu, kiểm định chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phân biệt đối xử với học sinh - sinh viên ngoài công lập, tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan… Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận vẫn còn vòng vo, chưa đúng trọng tâm khiến chủ tọa liên tục phải ngắt lời để nhắc nhở.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đặt câu hỏi: "Bộ GD - ĐT có biện pháp gì để quản lý tình trạng học tại chức tràn làn nhưng kém chất lượng?". Đại biểu Đỗ Văn Đương nhắc đến vấn đề: "Tình trạng thừa thầy thiếu thợ là do đâu, do thầy hay do người học?".

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) tỏ ra không hài lòng: "Tôi thấy từ đầu đến giờ, Bộ trưởng vẫn chưa thừa nhận thực tế chất lượng thấp của giáo dục Việt Nam". Đại biểu chất vấn: "Xin Bộ trưởng trả lời rõ, Bộ trưởng có ý tưởng gì, đột phá từ đâu để nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam?".

Theo dự kiến, phiên chất vấn sáng 24/11 kết thúc lúc 10h30, nhưng do có quá nhiều đại biểu chất vấn (39 đại biểu), chủ tọa đề nghị Quốc hội dành thêm 30 phút cho phần trả lời của Bộ trưởng GD - ĐT và phần giải trình thêm của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

Trong thời gian trả lời thêm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ giải trình thêm một số vấn đề chung. Một số nội dung chưa được Bộ trưởng làm rõ ngay trong buổi chất vấn. Bộ trưởng hứa sẽ tiếp thu và sớm có trả lời tới các đại biểu.

Sau phần trả lời của Bộ trưởng GD - ĐT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giải trình thêm một số nội dung về giáo dục, đào tạo. Theo Phó Thủ tướng, để nâng cao chất lượng giáo dục, cần thực hiện một số giải pháp chính sau: Xây dựng chuẩn đầu vào và đầu ra cho bậc học phổ thông và đại học; Tăng cường quản lý; Tăng cường đầu tư cho giáo dục; Thực hiện cơ chế triển khai giáo dục. Trong đó, đổi mới quản lý và cơ chế triển khai giáo dục là các khâu đột phá. Phó Thủ tướng khẳng định: "Khi yếu tố cung - cầu giữa đào tạo và tuyển dụng phù hợp với nhau, chất lượng giáo dục và sản phẩm đào tạo chắc chắn sẽ được cải thiện".

Chiều 24/11, theo chương trình, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bá Mạnh

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,045

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079